Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 6.1.285 ca, trong đó có 391.988 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 3.227.288 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 55.395 và 3.062.009 ca đang điều trị tích cực. Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, châu Mỹ đang là tâm dịch mới của thế giới, với số ca mắc bệnh và tử vong hàng ngày vẫn rất cao ở nhiều nước trong khu vực.
Trong 24 giờ qua, thế giới có 3 nước ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức trên 1.000 ca là Brazil (1.234 ca), Mỹ (1.029 ca) và Mexico (1.092 ca). Mỹ dù số ca mắc COVID-19 trong ngày vẫn cao nhất thế giới, song lần đầu tiên sau nhiều tháng ghi nhận số ca tử vong/ngày chỉ khoảng 1.000 trường hợp.
Dù vậy, nguy cơ một đợt bùng phát dịch mới đang xuất hiện, trong bối cảnh diễn ra hàng loạt cuộc biểu tình bạo động đông người tham gia tại nhiều bang của nước này để phản đối vụ cảnh sát da trắng gây ra cái chết của công dân da màu George Floyd ở Minnesota hôm 25/5.
Mexico là quốc gia có số ca tử vong tăng vọt trong vòng 24 giờ qua. Theo worldometers.info, quốc gia Trung Mỹ này đã ghi nhận 1.092 trường hợp tử vong và 3.912 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 trong ngày 4/6, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 101.2 ca và 11.729 ca.
Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Mexico ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng mạnh sau khi chính phủ nước này ngày 1/6 quyết định dỡ bỏ giãn cách xã hội để từng bước đưa đất nước quay trở lại tình trạng bình thường mới.
Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell nhấn mạnh Mexico vẫn đang trong giai đoạn đỉnh dịch và dự báo số ca tử vong do COVID-19 có thể lên đến 30.000 người. Theo thống kê, gần 20.000 nhân viên y tế và bác sĩ Mexico đã nhiễm bệnh và điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt y tá và bác sĩ chống dịch.
Trước tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador kêu gọi người dân ở nhà, tránh ra đường khi không cần thiết và cho biết sẽ lại đóng cửa nền kinh tế trong trường hợp phát sinh ổ dịch mới.
Bộ Y tế Brazil ngày 4/6 thông báo, quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 1.234 ca tử vong do mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, một trong những ngày đau thương nhất tại nước này.
Tới sáng 5/6, Brazil có tổng cộng 33.781 ca tử vong do COVID-19 trên tổng số 606.085 ca mắc bệnh, cao thứ 2 thế giới, sau Mỹ.
Các chuyên gia cho biết việc quốc gia có dân số 210 triệu người đang tiến hành các xét nghiệm có nghĩa là con số thực tế có thể cao hơn mức ghi nhận.
Mỹ vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới với số ca dương tính mới trong 24 giờ qua cao nhất, song số ca tử vong đang có đà giảm trong mấy ngày qua.
Tính tới sáng 5/6 theo giờ Việt Nam, Mỹ ghi nhận thêm 1.029 ca tử vong và 22.105 ca dương tính mới, qua đó nâng tổng số người thiệt mạng và mắc COVID-19 tại "Xứ sở cờ hoa" lên lần lượt 110.171 ca và 1.923.049 ca.
Một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) công bố tuần này nhận định rằng nền kinh tế của Mỹ có thể sẽ mất gần một thập kỷ để phục hồi hoàn toàn sau những ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp. CBO dự báo đại dịch COVID-19 có thể sẽ khiến sản lượng kinh tế của Mỹ thiệt hại khoảng 8 nghìn tỷ USD trong thập kỷ này, giảm khoảng 3% so với những dự báo trước khi dịch bệnh bùng phát
Ngày 4/6, Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha Reyes Maroto thông báo sẽ mở lại biên giới trên bộ với Pháp và Bồ Đào Nha vào ngày 22/6 tới sau 3 tháng đóng cửa do dịch COVID-19.
Bà Maroto cho biết những người nhập cảnh sẽ không còn phải cách ly bắt buộc 14 ngày, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ cho phép Tây Ban Nha đón các du khách của hai nước láng giềng này trở lại.
Kể từ ngày 15/5 vừa qua, gần như toàn bộ các du khách quốc tế đến Tây Ban Nha đều phải tự cách ly trong 2 tuần. Theo kế hoạch ban đầu, biện pháp sẽ kéo dài đến ngày 1/7 đối với những người nhập cảnh qua đường hàng không hoặc đường thủy.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Maroto khẳng định trong bối cảnh dịch bệnh đã diễn biến theo chiều hướng tích cực, Tây Ban Nha có khả năng sẽ dỡ bỏ yêu cầu trên trước ngày 1/7 nếu điều kiện phù hợp. Ngoài ra, 6.000 du khách Đức có thể sẽ tới du lịch quần đảo Balearic của Tây Ban Nha trong nửa cuối tháng Sáu theo dự án thí điểm giữa chính quyền địa phương và công ty lữ hành TUI của Đức.
Trong khi đó, giới chức Phần Lan thông báo đã không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 nào trong ngày 4/6. Đây là lần đầu tiên trong hơn 3 tháng, quốc gia châu Âu này không có thêm ca mới trong ngày.
Người phát ngôn Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan cho hay trong ngày 4/6, Phần Lan đã ghi nhận 1 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên 322 ca. Tỷ lệ lây nhiễm tại Phần Lan đã giảm xuống còn 0,75-,8 trong hai tuần qua. Ước tính trong gần 7.000 ca nhiễm tại Phần Lan, có khoảng 5.800 người đã hồi phục.
Kể từ giữa tháng Năm vừa qua, Chính phủ Phần Lan đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vốn được áp đặt từ ngày 18/3 vừa qua. Tuy nhiên, chính quyền vẫn thận trọng trước nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai vào cuối năm nay, đồng thời khuyến cáo người dân tuân thủ giãn cách, tự cách ly và tìm cách xét nghiệm nếu có triệu chứng nhiễm virus.
Ngày 4/6, Pháp tuyên bố sẽ không tổ chức lễ duyệt binh trong Ngày Quốc khánh (14/7) do các quy định giãn cách xã hội, thay vào đó sẽ tổ chức một buổi lễ tri ân các nhân viên y tế đang gồng mình với cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thông báo của Điện Elysee nêu rõ thay vì duyệt binh và phô diễn khí tài quân sự trên đại lộ Champs-Elysees vào Ngày Quốc khánh như mọi năm, lễ kỷ niệm năm nay sẽ diễn ra ở quy mô nhỏ hơn tại quảng trường Place de la Concorde, với sự tham gia của 2.000 người và 2.500 khách mời.
Tất cả những người tham gia đều sẽ tuân thủ nghiêm quy định giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Điểm nhấn của buổi lễ chính là hình ảnh các máy bay bay biểu diễn trên không.
Trung tâm ứng phó dịch COVID-19 của Nga ngày 4/6 thông báo 8.831 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 441.108 người.
Ngoài ra có thêm 169 người tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người tử vong trên cả nước lên 5.4.
Ngày 4/6, một máy bay quân sự của Mỹ vận chuyển 150 máy thở hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã đáp xuống thủ đô Moskva của Nga.
Đây là chuyến hàng máy thở thứ hai mà Mỹ viện trợ để giúp Nga đối phó với dịch COVID-19 sau khi 50 máy thở đầu tiên được chuyển tới cách đây hai tuần.
Iran thông báo 3.574 ca mới mắc COVID-19. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 24 giờ tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng Hai năm nay.
Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết con số trên đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp số ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày vượt ngưỡng 3.000 ca. Ngoài ra, trong 24 giờ qua, Iran đã ghi nhận thêm 59 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 8.071.
Cùng ngày, hãng thông tấn Tasnim đưa tin sáng cùng ngày, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa trở lại cửa khẩu biên giới huyết mạch Bazargan tại miền Tây Bắc Iran sau 3 tháng đóng cửa do đại dịch COVID-19. Các xe tải của hai nước sẽ được phép qua chốt kiểm soát biên giới với điều kiện tuân thủ nghiêm các biện pháp vệ sinh dịch tễ.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 5/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 2.033 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 2.900 người.
Trong 24 giờ qua, có hai nước thành viên ASEAN là Indonesia, Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Trong ngày, khu vực có 6 nước ghi nhận các ca mắc mới, trong đó Indonesia là nơi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhất khu vực. Singapore dù số ca dương tính mới hơn 500 người, song số ca tử vong vẫn duy trì ở mức thấp.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.910 người dân ở khu vực này, tăng 33 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 98.343 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 44,032 trường hợp.
Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với tổng cộng 1.721 người tử vong. Thái Lan đang đối mặt với nỗ lo dịch bệnh bùng trở lại trong mấy ngày gần đây, trong đó ngày 4/6 ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới.
Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines. Ngược lại, 6 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đã bắt đầu nới lỏng các qui định giãn cách xã hội và khôi phục kinh tế.
New Zealand có thể sẽ công bố hết dịch vào ngày 15/6 tới nếu trường hợp lây nhiễm cộng đồng cuối cùng không có kết quả dương tính trở lại sau 28 ngày hết cách ly.
Sau nhiều tuần tranh luận trong chính phủ và giữa các chuyên gia y tế công cộng, Bộ Y tế New Zealand đã quyết định sau 28 ngày kể từ khi bệnh nhân cuối cùng hết cách ly, nước này có thể tuyên bố hết dịch COVID-19.
Trường hợp lây nhiễm cộng đồng cuối cùng của New Zealand có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 29/4 và được cách ly cho đến ngày 18/5. Nếu sau 28 ngày kể từ ngày 18/5 (tức đến ngày 15/6 tới), bệnh nhân cuối cùng này có kết quả xét nghiệm âm tính, New Zealand có thể tuyên bố hết dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong trường hợp phát hiện một bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng khác, thời hạn trên sẽ phải tính lại.
Giới chức Australia cùng ngày cho biết người dân nước này có thể bay tới New Zealand sớm nhất là vào tháng 7 tới theo một kế hoạch được đề xuất nhằm khôi phục lại ngành du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn của cả hai nước.
Theo kế hoạch được Phòng Thương mại và Công nghiệp Australia (ACCI), Sân bay Canberra, Phòng Thương mại Wellington, Hội đồng Kinh doanh Canberra và Hội đồng Kinh doanh Auckland soạn thảo, các chuyến bay đầu tiên dự kiến sẽ được thực hiện giữa thủ đô hai nước Canberra và Wellington vào ngày 1-2/7.
Hành khách sẽ không phải cách ly tại khách sạn trong 14 ngày, tuy nhiên phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay và phải tuân thủ các hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh ở mỗi nước.
Hành khách đến Wellington có thể đi du lịch khắp New Zealand, trong khi hầu hết các bang của Australia vẫn đóng cửa biên giới, nên những người đến Canberra trong giai đoạn này chỉ có thể đi tới các bang New South Wales và Victoria. Tuy nhiên, kế hoạch trên cần phải được chính phủ liên bang Australia và New Zealand chính thức phê duyệt.
Ngày 4/6, Nam Phi đã thông qua quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia thêm một tháng cho đến hết ngày 15/7, trong bối cảnh tốc độ lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này ngày càng gia tăng.
Trong một thông báo cùng ngày, Chánh Văn phòng Tổng thống, ông Jackson Mthembu nêu rõ tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia mà Thổng thống Cyril Ramaphosa công bố hôm 15/3 sẽ kết thúc vào ngày 15/6 tới, do vậy quyết định gia hạn thêm 1 tháng là việc làm cần thiết vào thời điểm hiện tại nhằm tăng cường công tác ứng phó với dịch COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Nam Phi bước sang ngày thứ 70 áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch COVID-19. Bắt đầu từ hôm 1/6, nước này đã nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 nhằm khôi phục hoạt động của một số lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Cũng từ thời điểm này, các chuyến bay nội địa đã được phép hoạt động trở lại.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Nam Phi, riêng trong ngày 4/6, nước này đã ghi nhận thêm 3.267 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 – số ca nhiễm kỷ lục trong 24h kể từ khi nước này thông báo ca đầu tiên hôm 3/5, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 40.792 người, trong đó có 848 ca tử vong.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 4/6, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp trực tuyến mở về hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) của LHQ ứng phó với đại dịch COVID-19.
Phó Tổng thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix và những người đứng đầu quân sự của các phái bộ GGHB LHQ tại Mali (MINUSMA), Nam Sudan (UNMISS) và Lực lượng quan sát viên đình chiến của LHQ tại khu vực cao nguyên Golan (UNDOF) đã tham dự và thảo luận tại cuộc họp.
Phó Tổng Thư ký Lacroix cho biết, trong tình hình đại dịch, các phái bộ của LHQ đang chú trọng 4 mục tiêu là bảo vệ lực lượng GGHB và năng lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nhất; ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19; hỗ trợ nước chủ nhà ứng phó với đại dịch; và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trong khi thực thi nhiệm vụ.