Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 80.000 ca), Ấn Độ (49.281 ca) và Pháp (47.637 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua là Mỹ (947 ca), Ấn Độ (5 ca) và Brazil (501 ca).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các quốc gia trên toàn cầu đã ghi nhận trên 2 triệu trường hợp nhiễm mới COVID-19 được xác nhận trong tuần qua - thời gian ngắn nhất từ trước đến nay, cho thấy sự gia tăng theo cấp số nhân kể từ khi đại dịch bắt đầu.
WHO nêu rõ trong tuần thứ hai liên tiếp, châu Âu có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất với trên 1,3 triệu ca, chiếm khoảng 46% tổng số ca nhiễm mới trên toàn thế giới. Cơ quan y tế của LHQ cho biết số ca tử vong cũng đang gia tăng ở châu Âu, với mức tăng khoảng 35% so với tuần trước. WHO nhấn mạnh: “Mặc dù số ca tử vong đang dần tăng lên, nhưng tỷ lệ tử vong của các trường hợp nhiễm bệnh vẫn tương đối thấp so với giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 vào mùa Xuân”.
WHO cũng lưu ý rằng số bệnh nhân nhập viện do COVID-19 và phải chăm sóc đặc biệt đã tăng lên ở 21 quốc gia trên khắp châu Âu. Ước tính có khoảng 18% số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện, trong đó, khoảng 7% số bệnh nhân cần hỗ trợ chăm sóc đặc biệt hoặc dùng máy thở.
Theo WHO, xét trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia báo cáo có số lượng người nhiễm COVID-19 nhiều nhất vẫn không thay đổi trong 3 tuần qua là Ấn Độ, Mỹ, Pháp, Brazil và Anh.
Châu Âu
Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao
Ngày 29/10, Nga ghi nhận thêm 17.717 ca mắc bệnh COVID-19 và 366 ca tử vong. Đây là ngày có số ca mắc và tử vong cao nhất từ trước tới nay tại nước này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết không có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc dù nước này cùng ngày ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng cao nhất từ trước đến nay.
Phát biểu tại một diễn đàn của các nhà đầu tư, Tổng thống Putin cho biết chưa có kế hoạch áp đặt các biện pháp hạn chế quy mô, như một lệnh phong tỏa trên toàn quốc. Trước đó, cùng ngày, Chính phủ Nga đã thông báo gói cứu trợ trị giá 11 tỷ rouble cho khu vực ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh.
Cùng ngày, Ba Lan thông báo có thêm 20.156 ca mắc COVID-19 và 301 ca tử vong. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Ba Lan ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong một ngày. Theo Bộ Y tế Ba Lan, tổng số ca nhiễm tại nước này trong chưa đầy một tháng qua đã tăng lên gấp 3, vượt hơn 300.000 người. Giới chức cảnh báo số ca nhiễm có thể còn tăng nhanh do các cuộc biểu tình lớn đang diễn ra tại các thị trấn và thành phố. Nhằm khống chế dịch bệnh, Ba Lan đã đóng cửa các nhà hàng, quán bar, cấm tập trung quá 5 người, yêu cầu các trường học dạy từ xa.
Cũng trong 24 giờ qua, CH Séc đã ghi nhận thêm 6.917 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 303.984 ca, trong đó có 2.826 ca tử vong.
Thụy Sĩ đã có thêm 9.6 ca mắc COVID-19. Tính đến nay, tổng số người mắc bệnh tại nước này là 145.044, trong đó có 1.985 ca không qua khỏi.
Gia tăng áp lực đối với Chính phủ Anh
Số ca tử vong và nhiễm COVID-19 liên tục tăng mạnh trong những ngày qua tại châu Âu đã khiến nhiều chính phủ buộc phải áp đặt trở lại các biện pháp cách ly chống dịch, trong khi nhiều nước cân nhắc các quyết định tương tự.
Tiếp sau Pháp tuyên bố tái phong tỏa toàn quốc và Đức nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế dịch bệnh gia tăng, Chính phủ Anh cũng đang chịu nhiều áp lực phải áp đặt các biện pháp tương tự do số ca mắc COVID-19 tại vùng England đã tăng gấp đôi chỉ trong 9 ngày qua.
Cuối tháng 3 vừa qua, Anh đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc để chống đại dịch COVID-19, với việc đóng cửa toàn bộ các cửa hàng không thiết yếu, trường học... buộc hàng triệu người phải làm việc từ xa. Các biện pháp này đã được gỡ bỏ vào tháng 6 khi số ca mắc COVID-19 giảm. Từ tháng 9 đến nay, khi số ca mắc tăng trở lại, Thủ tướng Johnson đã không ủng hộ những lời kêu gọi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc đợt hai do lo ngại nền kinh tế đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Thay vào đó, hiện tại vùng England của Anh đã áp đặt một loạt biện pháp theo 3 cấp độ, tùy thuộc vào số ca nhiễm ở từng khu vực khác nhau. Tuy nhiên, theo nhật báo The Sun, giới khoa học Anh hiện muốn áp đặt các lệnh nghiêm ngặt hơn khi số ca mắc và nhập viện đều rất cao.
Thêm nhiều địa phương của Tây Ban Nha bị phong tỏa
Tại Tây Ban Nha, đã có thêm 5 vùng, trong đó có thủ đô Madrid, thông báo phong tỏa nội bộ trước dịp "Ngày lễ Các thánh" diễn ra vào ngày 1/11 hằng năm để ngăn chặn tốc độ lây nhiễm dịch COVID-19. Chính quyền vùng thủ đô Madrid dự kiến đóng cửa từ ngày 30/10 đến hết ngày 2/11. Cá biệt tại một số vùng duyên hải, như Murcia ở Đông Nam và Andalusia ở Tây Nam đất nước, cùng vùng Castilla và Leon, Castilla-La Mancha, lệnh phong tỏa được đề xuất kéo dài đến hết ngày 9/11.
Một số nhà dịch tễ học thậm chí cảnh báo rằng trong những tuần tới các chính phủ châu Âu có thể không thể kiểm soát được nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng như hiện nay và áp đặt các lệnh phong tỏa mới gần như là tất yếu.
Châu Mỹ
Mỹ chưa thể trở lại bình thường trước cuối năm 2021
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ ngày 29/10 cho biết cuộc sống của người dân Mỹ chưa thể quay trở về bình thường cho đến cuối năm 2021 hoặc năm 2022 do ảnh hưởng của COVID-19.
Trong hội thảo trực tuyến với tiêu đề "Đàm thoại về COVID-19: góc nhìn toàn cầu" do Đại học Melbourne tổ chức, ông Fauci cho rằng số ca nhiễm mới COVID-19 đang tăng đột biến hằng ngày phản ánh tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại Mỹ. Theo ông, đây là hậu quả do sự thiếu thống nhất giữa các bang của Mỹ trong việc tuân theo các quy định phòng chống dịch như đeo khẩu trang.
Chuyên gia y tế này bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình dịch bệnh hiện COVID-19 tại Mỹ trong vài tháng tới khi mùa Đông đến và kỳ nghỉ lễ diễn ra.
Theo ông, ngay cả khi Mỹ sẽ có vaccine ngừa COVID-19 trong vài tháng tới, thì vẫn có tỷ lệ lớn người dân Mỹ chưa thể tiếp cận với vaccine cho đến quý III/2021. Tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ chưa có dấu hiệu lắng dịu với số ca mắc mới liên tục tăng, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế tại nhiều bang của nước này.
Các y, bác sĩ tại bệnh viên Đại học Y khoa UW ở thành phố Madison, bang Wisconsin, đang phải chạy đua với thời gian để chuyển đổi một bãi đất trống thành khu điều trị các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh các cơ sở y tế của bang này đang bị quá tải. Một khu hồi sức tích cực tại bệnh viện này đã được thiết lập trong tuần này trước thời hạn và cơ sở này nhanh chóng đã kín bệnh nhân. Bác sĩ Jeff Pothof của Bệnh viên Đại học Y khoa UW cho hay trong ngày 28/10, bệnh viện đã tiếp nhận số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 nhiều chưa từng có, gây trở ngại cho việc điều trị và mối quan ngại lớn nhất hiện nay là lực lượng y bác sĩ hồi sức tích cực.
Theo phân tích của Reuters, Wisconsin, một bang chiến địa trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 và là một trong số 36 bang ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viên tăng ít nhất 10% so với tuần trước.
Một số bang cũng ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng kỷ lục gồm Arkansas, Indiana, Iowa, Kentucky, Minnesota, Nebraska, New Mexico, Ohio, South Dakota, West Virginia, Wisconsin và Wyoming.
Bên cạnh đó, giới chức bang Wiscosin yêu cầu người dân tự nguyện cách ly khi có thể, đeo khẩu trang, hủy các cuộc tụ họp với hơn 5 người tham gia. Tương tự, Thống đốc bang Rhode Island, Gina Raimondo khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với những người cần gặp. Bang Rhode Island đang chật vật ứng phó với số ca mắc mới gia tăng bởi tình trạng này khiến hệ thống truy vết của bang hoạt động quá tải. Theo Thống đốc Raimondo, chính quyền bang có kế hoạch thuê 100 thiết bị định vị để tăng cường hệ thống truy vết F0.
Thống kê cho thấy số ca mắc COVID-19 mới tại Mỹ đã tăng 25% trong tuần trước, lên gần 500.000 người trong khi tỷ lệ xét nghiệm tăng 6%.
Nhiều nước Mỹ Latinh ghi nhận số ca tử vong cao do COVID-19
Hai nước Mexico và Argentina ghi nhận tổng số ca tử vong do COVID-19 lần lượt ở mức trên 90.000 ca và trên 30.000 ca. Hiện số ca tử vong do COVID-19 của Mexico đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ, trong khi Argentina đứng thứ 7 thế giới. Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador bày tỏ quan ngại về tình hình dịch bệnh COVID-19 gần đây tại nước này, đồng thời hối thúc người dân cảnh trước nguy cơ bị lây nhiễm.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Peru và Colombia cũng đã ghi nhận tổng cộng 30.000 ca tử vong do COVID-19 tại mỗi nước.
Châu Á
Số bệnh nhân tại Ấn Độ vượt 8 triệu người
Ngày 29/10, Chính phủ Ấn Độ công bố số liệu cập nhật mới nhất cho thấy số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã vượt 8 triệu ca.
Theo hãng tin AFP của Pháp, Ấn Độ hiện là quốc gia thứ hai trên thế giới chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 chỉ sau Mỹ - nơi ghi nhận 9,2 triệu ca mắc bệnh. Tuy vậy, với 121.000 ca tử vong, quốc gia Nam Á này vẫn là một trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở mức thấp nhất thế giới. Trong khi đó, tại Mỹ, số ca tử vong hiện đã vượt 234.000 ca.
Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan, công ty sản xuất dược phẩm Dr Reddy's Laboratories Ltd đã thông báo khung thời gian sơ bộ để Ấn Độ tiến hành các cuộc thử nghiệm vaccine Sputnik V của Nga, trong đó dự kiến hoàn tất giai đoạn thử nghiệm sau cùng sớm nhất vào tháng 3/2021.
Phát biểu họp báo ngày 28/10, đại diện công ty, ông Erez Israeli, cho biết việc thử nghiệm vaccine Sputnik V giai đoạn 2 sẽ được tiến hành trong một vài tuần tới và có thể kết thúc trước cuối tháng 12 năm nay. Trong khi đó, giai đoạn thử nghiệm thứ 3 có thể hoàn tất sớm nhất vào cuối tháng 3/2021 hoặc muộn hơn nữa, tùy thuộc vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 và quyết định phê chuẩn của các cơ quan chức năng.
Trung Quốc ghi nhận 47 ca mắc mới
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 29/10 thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận 47 ca mắc mới COVID-19, trong đó 23 ca lây nhiễm trong nước và 24 ca nhập cảnh. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong hơn 2 tháng qua tại Trung Quốc đại lục, kể từ ngày 9/8 ghi nhận 49 ca.
Theo NHC, các ca lây nhiễm trong nước đều là những ca không triệu chứng, phát hiện tại vùng tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Không có thêm ca nghi nhiễm hay ca tử vong nào vì dịch bệnh này tại Trung Quốc đại lục trong ngày 28/10. Tính đến nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 85.915 ca mắc COVID-19 trong đó 4.634 ca tử vong.
Cảnh báo chiều hướng gia tăng ca mắc mới tại Nhật Bản
Tại Nhật Bản, một nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 ở nước này.
Hãng tin Jiji Press dẫn báo cáo dẫn báo cáo của nhóm chuyên gia cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã bắt đầu tăng nhẹ kể từ đầu tháng 10. Tỷ lệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên 100.000 dân trên toàn quốc đã tăng từ 2,84 trong tuần từ 6-12/10 lên 2,95 trong tuần từ 13 đến 19/10 và tiếp tục tăng lên 3,21 trong tuần từ 20 đến 26/10.
Trong khi đó, hệ số lây nhiễm hiện vẫn ở mức trên 1, tức là một người nhiễm virus có thể lây bệnh cho ít nhất 1 người khác. Tính theo địa phương, cho đến ngày 11/10, hệ số này ở tỉnh Hokkaido là 1,9; Tokyo 0,75; Aichi 1,04; Osaka 1,39; Fukuoka 0,96; và Okinawa 1,83.
Chỉ riêng ngày 28/10 Nhật Bản ghi nhận thêm 731 ca nhiễm mới trên cả nước, trong đó 171 ca ở thủ đô Tokyo, và 5 người tử vong vì COVID-19. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp số ca nhiễm mới tại Tokyo ở mức trên 100.
Pakistan ban hành lệnh giới nghiêm
Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang bắt đầu có hiệu lực tại các thành phố của Pakistan nhằm ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 thứ hai trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh những tuần gần đây ở nước này và mùa Đông đang đến gần.
Giới chức y tế Pakistan đã công bố một loạt biện pháp mới phòng chống dịch, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29/10, trong đó có lệnh bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang tại những vùng đô thị lớn, lệnh phong tỏa một vài điểm nóng dịch bệnh và hạn chế giờ hoạt động của các doanh nghiệp. Động thái này diễn ra một ngày trước khi Pakistan chuẩn bị kỷ niệm ngày sinh của nhà tiên tri Mohammad, với ước tính hàng nghìn người sẽ đổ xuống đường phố trên cả nước. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối tháng 2 đến nay, Pakistan ghi nhận hơn 331.000 ca nhiễm, trong đó có 6.700 ca tử vong.
CDC châu Phi kêu gọi các nước chuẩn bị cho làn sóng dịch bệnh mới
Ngày 29/10, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, John Nkengasong cảnh báo khu vực này cần chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm tại châu Âu và một số nước châu Á tăng lên.
Phát biểu họp báo, ông Nkengasong nhấn mạnh đây chính là thời điểm phải sẵn sàng ứng phó với làn sóng thứ hai. Trước đó, châu Phi đã kiểm soát dịch rất tốt, khi số ca nhiễm đạt đỉnh vào tháng 7 và giảm dần. Tuy nhiên, xu hướng này đã bắt đầu chững lại.
Theo CDC châu Phi, cho đến nay, 55 nước thành viên của Liên minh châu Phi (AU) đã ghi nhận khoảng 1,7 triệu ca nhiễm, tương đương 3,9% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu. Trong tháng qua, trung bình mỗi tuần số ca nhiễm trên toàn châu lục chỉ tăng 6%.
Giám đốc Nkengasong nhận định tình hình dịch bệnh tại châu Phi có sự khác biệt giữa các khu vực, khi số ca nhiễm mới tăng lên tại các khu vực phía Đông, phía Bắc và phía Nam châu Phi, và giảm tại phía Tây và miền Trung. Tuy nhiên, ông cho rằng tất cả các nước cần tăng cường xét nghiệm và hệ thống giám sát, cũng như thúc đẩy việc đeo khẩu trang nhằm phòng ngừa nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai. Khi đại dịch mới bùng phát, nhiều nước châu Phi đã áp đặt phong tỏa và hạn chế đi lại, song ông Nkengasong từng cảnh báo sẽ rất khó để tái áp đặt các biện pháp này khi ứng phó với làn sóng ca nhiễm mới.
Theo CDC châu Phi, tổng số ca nhiễm tại lục địa này đã lên tới trên 1,77 triệu ca ca, trong đó có trên 42.000 ca tử vong. Những quốc gia có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực gồm Nam Phi, Ai Cập, Maroc, Ethiopia và Nigeria.