Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 72.000 ca), Pháp (52.518 ca) và Ấn Độ (37.592 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (497 ca), Iran (440 ca) và Mỹ (424 ca).
Ngày 2/11, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông sẽ tự cách ly sau khi tiếp xúc với một người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO cho biết ông khỏe mạnh và không có triệu chứng, nhưng thời điểm này, điều quan trọng là tất cả đều cần tuân thủ các hướng dẫn về y tế, cách ly là cách để ngăn chặn chuỗi lây truyền, ngăn chặn virrus và bảo vệ hệ thống y tế.
Cũng trong ngày 2/11, trong bối cảnh các trường hợp nhiễm COVID-19 gia tăng đột biến ở một số quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, Tổng Giám đốc WHO cho rằng đây là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo hành động, cần phải nắm bắt cơ hội, vẫn chưa muộn để kiểm soát COVID-19.
Châu Âu
Số ca mắc ở châu Âu tăng gấp đôi trong 5 tuần
Số ca mắc bệnh COVID-19 ở châu Âu đã tăng gấp đôi chỉ trong 5 tuần qua, đưa tổng số ca bệnh ở "Lục địa già" từ ngày 1/11 đã vượt ngưỡng 10 triệu ca.
Theo số liệu tổng hợp của hãng Reuters, châu Âu sau gần 9 tháng mới chạm mốc 5 triệu ca mắc COVID-19, nhưng sau đó chỉ hơn một tháng đã ghi nhận mốc 5 triệu ca tiếp theo. Hiện châu Âu chiếm khoảng 22% trong tổng số 47 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới và hơn 23% trong tổng số trên 1,2 triệu ca tử vong.
Trong 7 ngày vừa qua, thêm 1,6 triệu ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận ở châu Âu, tương đương 50% số ca mắc mới trên toàn cầu. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng trên 16.100 ca, tăng 44% so với tuần trước đó. Tỷ lệ mắc COVID-19 ở châu Âu là 127 ca/10.000 người, trong khi tỷ lệ tử vong là 4 ca/10.000 người.
Các nước Tây Âu chứng kiến số ca mắc COVID-19 cao nhất trong khu vực (hơn 30%), trong khi Nam Âu ghi nhận số ca tử vong cao nhất (khoảng 32%). Tại Đông Âu, Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với hơn 1,6 triệu ca mắc. Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cho biết các bệnh viện tại 16 khu vực ở nước này đang hoạt động đến 90% công suất.
Châu Âu tăng cường các biện pháp chống dịch
Để kiềm chế tốc độ lây lan của COVID-19, nhiều chính phủ châu Âu đã phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa. Ngày 2/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ban hành một loạt biện pháp phong tỏa, theo đó các quán bar, quán cà phê, nhà hàng cùng các cơ sở giải trí như nhà hát, rạp chiếu phim... buộc phải đóng cửa. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 2/11 đến hết tháng.
Trong khi đó, Chính phủ Bỉ cũng dự kiến sẽ công bố nhiều biện pháp hạn chế mới khi tỷ lệ nhiễm virus tại nước này tính trên đầu người đang ở mức cao nhất thế giới.
Trước đó, Pháp, Bồ Đào Nha và Áo cũng thông báo phong tỏa từng phần hoặc toàn bộ đất nước bắt đầu từ tuần này. Chính phủ Bồ Đào Nha thậm chí đang cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế nhằm siết chặt các biện pháp chống dịch hiện nay. Thủ tướng Antonio Costa tuyên bố: "Chúng tôi đề xuất sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp với mục đích ngăn chặn dịch bệnh, tránh xảy ra những đáng tiếc về mặt pháp lý". Theo kế hoạch này, các biện pháp phong tỏa chống dịch đã được áp đặt tại các khu vực miền Bắc Bồ Đào Nha sẽ được mở rộng ra phạm vi toàn lãnh thổ hoặc 70% dân số quốc gia 7,1 triệu dân này.
Cùng ngày, Chính phủ Hy Lạp cũng thông báo áp đặt phong tỏa hai tuần tại thành phố Thessaloniki lớn thứ hai cả nước và Serres ở miền Bắc nhằm kiềm chế tốc độ lây nhiễm. Người phát ngôn chính phủ cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này thấp nhất so với các nước châu Âu khác, tuy nhiên sự gia tăng đáng báo động từ đầu tháng 10 khiến giới chức lo ngại dịch có thể bùng phát mạnh.
Giới chức bang Geneva (Thụy Sĩ) ngày 2/11 cũng thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ quán bar, nhà hàng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không thiết yếu kể từ ngày 3/11. Các bệnh viện cũng được cảnh báo về tình tráng quá tải và phải đưa ra quyết định khó khăn khi lựa chọn tiếp nhận bệnh nhân điều trị theo mức độ bệnh.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết chính phủ nước này sẽ nỗ lực để có thể sớm nới lỏng lệnh phong tỏa 4 tuần nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tại vùng England vào đầu tháng 12 tới.
Hãng truyền thông BBC dẫn lời Bộ trưởng Sunak cho biết giới chức Anh hy vọng các biện pháp hạn chế hiện nay sẽ phát huy tác dụng, đưa tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 xuống mức thấp, qua đó cho phép các cơ quan chức năng nới lỏng các quy định nghiêm ngặt hiện nay, quay trở lại chế độ phong tỏa theo các cấp độ trước đó.
Thủ tướng Gruzia dương tính với virus SARS-CoV-2
Văn phòng báo chí của Thủ tướng Gruzia ngày 2/11 thông báo Thủ tướng Giorgi Gakharia đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuyên bố của cơ quan trên cho biết Thủ tướng Gakharia đã tự cách ly vào sáng 2/11 sau khi một trong những vệ sĩ của ông dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ông Gakharia vẫn khỏe mạnh và sẽ tiếp tục điều trị tại nhà.
Gruzia, quốc gia nằm ở khu vực Nam Caucasus với 3,7 triệu dân, tới nay đã ghi nhận tổng cộng 42.579 ca mắc COVID-19, trong đó có 342 ca tử vong.
Châu Mỹ: Mỹ bất đồng về phòng chống dịch trước bầu cử
Một trong những nhà khoa học hàng đầu của Chính phủ Mỹ, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, đã đưa ra yêu cầu khẩn cấp về việc điều chỉnh chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19. Động thái này đã vấp phải phản ứng gay gắt của giới chức Nhà Trắng trong những ngày cuối cùng trước ngày bầu cử chính thức 3/11.
Trong trả lời phỏng vấn tờ Washington Post ngày 1/11, Tiến sĩ Fauci cảnh báo nếu không có sự thay đổi ngay lập tức về các chính sách y tế, nước Mỹ có nguy cơ hứng chịu "rất nhiều đau thương". Ông chỉ rõ tình hình dịch bệnh tại Mỹ đã đến mức "không thể tồi tệ hơn" khi nhiều người Mỹ phớt lờ các quy tắc phòng dịch và một số bệnh viện đang bị quá tải trong bối cảnh thời tiết chuyển lạnh và mùa cúm đến gần. Tính đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của trên 236.000 người.
Phản ứng trước những cảnh báo trên, người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho rằng việc Tiến sĩ Fauci, một thành viên cấp cao trong Nhóm tác chiến ứng phó với dịch COVID-19 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và một số cá nhân khác "chơi trò chính trị" chỉ 3 ngày trước ngày bầu cử chính thức là không thể chấp nhận và phá vỡ mọi quy tắc. Ông Deere phản đối việc ông Fauci "chỉ trích tổng thống trên truyền thông và thể hiện quan điểm chính trị thông qua việc ủng hộ ông Joe Biden, đối thủ của ông chủ Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2020".
Trước đó, trong một cuộc vận động tranh cử tại bang Michigan vào ngày 30/10, Tổng thống Trump khẳng định tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang có xu hướng đảo chiều và đưa ra cáo buộc, dù không có bằng chứng, rằng các y bác sĩ cố tình thổi phồng số người tử vong do COVID-19.
Những tranh cãi trong chính giới Mỹ về cách phòng dịch COVID-19 nổi lên trong bối cảnh Scott Atlas - Cố vấn chính sách về phòng dịch COVID-19 của Nhà Trắng, có cuộc phỏng vấn gây tranh cãi với kênh truyền hình RT của Nga vào ngày 31/10. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Atlas đã chỉ trích biện pháp đóng cửa, cho rằng đây là sự thất bại trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, một ngày sau đó, trên tài khoản Twitter, ông Atlas đã xin lỗi và giải thích rằng ông không hề biết kênh RT được đăng ký là phái bộ nước ngoài ở Mỹ.
Giới chuyên gia y tế tại Mỹ đã từng bày tỏ quan ngại rằng ông Atlas, chuyên gia thần kinh học và vốn không có kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm, có thể cung cấp cho Tổng thống Trump thông tin sai lệch hoặc không chính xác về đại dịch. Tiến sĩ Fauci cho biết ông Atlas là cố vấn duy nhất về dịch COVID-19 mà Tổng thống Trump gặp thường xuyên.
Châu Á
Hàn Quốc sửa đổi chế độ giãn cách xã hội
Chính phủ Hàn Quốc đã sửa đổi chế độ giãn cách xã hội và sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 7/11 tới. Hàn Quốc hiện đã chia nhỏ các mức giãn cách xã hội thành 5 mức, gồm mức 1, mức 1,5, mức 2, mức 2,5 và mức 3, thay vì 3 mức (gồm mức 1, mức 2 và mức 3) như trước đây.
Cụ thể, nếu số ca nhiễm ở thủ đô Seoul và khu vực lân cận trên 100 ca/ngày, số ca nhiễm ở các địa phương còn lại trên 30 ca/ngày, thì chính phủ sẽ nhận định dịch bệnh bắt đầu lây lan trong cộng đồng, nâng giãn cách xã hội lên mức 1,5. Nếu số ca nhiễm trung bình trong ngày ở mức 400-500 ca liên tục trong vòng một tuần trên toàn quốc, hoặc số ca nhiễm bất ngờ tăng lên gấp đôi, thì được coi là dịch bệnh lây lan trên phạm vi cả nước. Khi đó, chính phủ sẽ nâng giãn cách xã hội lên mức 2,5.
Các nội dung thay đổi trên được áp dụng từ ngày 7/11. Trường hợp người quản lý, điều hành cơ sở vi phạm quy tắc phòng dịch sẽ bị xử phạt tối đa 3 triệu won, người sử dụng dịch vụ tại cơ sở vi phạm bị xử phạt 100.000 won.
Về tình hình dịch bệnh, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 2/11 thông báo có 97 ca nhiễm mới, trong đó có các ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 26.732 ca. Số ca nhiễm mới theo ngày ở Hàn Quốc đã giảm nhẹ sau 5 ngày liên tiếp vừa qua đều ghi nhận mức tăng 3 con số.
Trung Đông tăng cường chống dịch
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Đông, các nước trong khu vực này đã phải tăng cường những biện pháp nhằm ngăn chặn COVID-19.
Kênh truyền hình nhà nước Iran cho biết Iran sẽ hạn chế đi lại đối với các thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi nước này ghi nhận số ca tử vong theo ngày tăng vọt. Biện pháp này có hiệu lực từ trưa 2/11 và sẽ kéo dài đến ngày 6/11 tới.
Theo quy định, biện pháp hạn chế trên áp dụng đối với thủ phủ của 25 tỉnh trên cả nước được phân loại là "màu đỏ", mức cao nhất trong thang đánh giá theo màu sắc của Iran. Biện pháp này sẽ ngăn chặn người dân ra vào các thành phố bị hạn chế dựa trên biển số xe, nhưng không áp dụng đối với các phương tiện giao thông công cộng. Theo đó, những người vi phạm sẽ bị phạt.
Iran là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch ở khu vực Trung Đông, và ghi nhận số ca nhiễm mới cũng như tử vong theo ngày ở mức cao trong những ngày gần đây. Số ca tử vong do COVID-19 tại Iran trong ngày 2/11 là 440 ca, mức theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca tử vong lên 35.7 ca. Cùng ngày, Iran cũng có thêm 8.289 ca nhiễm mới.
Tại Jordan, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Bisher Khasawneh ngày 1/11 đã thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc trong vòng 5 ngày, bắt đầu từ ngày 11/11, một ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội.
Theo Bộ Y tế Jordan, ngày 2/11, nước này ghi nhận 5.877 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc lên 81.743 ca, và 47 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 913 ca. Phát biểu tại thủ đô Amman, Thủ tướng Khasawneh tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ có hiệu lực từ 17h (giờ địa phương) ngày 11/11.
Ngoài lệnh phong tỏa trên, Jordan cũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh mới, trong đó có quy định hạn chế tập trung đông người, tăng thời gian giới nghiêm và đóng cửa các khu vui chơi giải trí cũng như các phòng tập gym. Thủ tướng Khasawneh cũng kêu gọi người dân hành động trách nhiệm hơn và tuân thủ những quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, bảo đảm giãn cách xã hội. Cảnh sát sẽ tăng cường hoạt động tuần tra và phạt những người vi phạm quy định.
Cũng trong ngày 1/11, Bộ trưởng Nội vụ Liban Mohammad Fahmi cho biết nước này áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn đối với 115 ngôi làng và thị trấn, cùng với lệnh giới nghiêm trên cả nước do số ca nhiễm mới tăng cao. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 21h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Liban cũng cấm các hoạt động tập trung đông người ở cả nơi công cộng và riêng tư trên toàn lãnh thổ nước này, trong khi yêu cầu tất cả các quán rượu và các hộp đêm vẫn đóng cửa cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Hamad Hassan cho rằng việc đóng cửa một phần ở nước này cho thấy không hiệu quả, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách Liban áp đặt lênh phong tỏa trên cả nước nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Theo Bộ trưởng Hassan, Liban đang chứng kiến các ca tử vong do COVID-19 ở những người trẻ tuổi do người dân bất cẩn hoặc thiếu ý thức phòng dịch. Ông Hassan cũng cảnh báo Liban có nguy cơ phải đối mặt với thảm họa nếu không cân nhắc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Liban hiện ghi nhận tổng cộng 83.697 ca nhiễm, trong đó 652 ca tử vong.