Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (70.619 ca), Mỹ (trên 44.300 ca) và Pháp (29.759 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (1.815 ca), Mỹ (934 ca) và Mexico (709 ca).
Như vậy, Brazil đã đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong vì COVID-19 hàng ngày. Xét về tổng số ca mắc từ đầu dịch, Brazil đã vượt Ấn Độ từ ngày 12/3, đứng thứ hai thế giới.
Mỹ xác định được gần 4.000 ca nhiễm các biến thể mới
Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, gần 4.000 ca nhiễm các biến thể mới của SARS-CoV-2 đã được ghi nhận tại Mỹ tính đến ngày 11/3.
Phần lớn trong số đó (3.701 ca) nhiễm biến thể B.1.1.7 được phát hiện đầu tiên tại Anh. Có 108 ca nhiễm biến thể B.1.351 được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi và 17 ca nhiễm biến thể P.1 được phát hiện lần đầu tiên tại Brazil.
CDC cho hay các ca này được nhận diện trên cơ sở các mẫu dương tính với SARS-CoV-2 và không đại diện toàn bộ các ca nhiễm biến thể đang lưu hành ở Mỹ. Dữ liệu trên cũng dẫn tới nhận định rằng B.1.1.7 có thể trở thành biến thể chủ đạo gây bệnh COVID-19 ở Mỹ trong tháng 3. CDC và các đối tác đang tăng cường phân tích các mẫu bệnh phẩm tại các phòng thí nghiệm trên toàn quốc. Các chuyên gia cũng lo ngại về một số biến thể được phát hiện tại những nơi đông dân như California và New York.
Theo các nhà khoa học Đại học California, San Francisco, biến thể tại California, - được biết đến với tên gọi B.1.427/B.1.429 - lây lan dễ dàng hơn các chủng virus trước đó và hiện đang chiếm chủ đạo tại bang miền Đông Nam nước Mỹ.
Các nghiên cứu đang được tiến hành nhằm xác định liệu các biển thể mới có dễ lây hơn, có gây ra tình trạng bệnh trầm trọng hay có khả năng tránh miễn dịch dù đã bị bệnh này hay được tiêm chủng trước đó hay không.
Brazil vượt Ấn Độ về tổng ca mắc COVID-19
Brazil đã vượt qua Ấn Độ về tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu đại dịch tới nay, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Brazil từ đầu dịch tới 6h sáng 14/3 (giờ Việt Nam) là 11.4.935 ca, còn Ấn Độ ghi nhận 11.358.644 ca.
Trong khi số ca mắc COVID-19 trên thế giới đang giảm ở nhiều nơi trong những tuần gần đây nhờ giãn cách xã hội và tiêm chủng đại trà, thì Brazil lại trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Số ca mắc và tử vong tăng vọt sau các cuộc tụ tập hồi cuối năm 2020 và lễ hội Carnival. Biến thể mới dễ lây hơn cũng khiến ngày càng nhiều người nhiễm virus. Các bệnh viện khắp Brazil đang trên bờ sụp đổ, buộc nhiều thống đốc bang phải áp đặt giờ giới nghiêm và đóng cửa doanh nghiệp.
Ông Raquel Stucchi, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Unicamp nói: “Tình hình hoàn toàn vượt tầm kiểm soát. Mọi thứ có thể vẫn tệ hơn vì các thống đốc và thị trưởng áp đặt biện pháp hạn chế nhưng chính phủ liên bang lại khăng khăng là các biện pháp không cần thiết”.
Trong khi đó, chính phủ Brazil đã ký hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga, trong khuôn khổ một thỏa thuận bao gồm cả khả năng loại vaccine này được sản xuất tại các nhà máy của phòng thí nghiệm Union Quimica ở thủ đô Brasilia và thành phố Sao Paulo.
Thông báo của Bộ Y tế Brazil nêu rõ lô vaccine Sputnik V đầu tiên gồm 400.000 liều sẽ được chuyển tới nước này vào cuối tháng 4 tới. Khoảng 2 triệu liều nữa sẽ được đưa về trong tháng 5, trong khi số còn lại sẽ tiếp tục được chuyển về trong thời gian đến cuối năm nay.
Ngoài ra, một nhóm các bang ở vùng Đông Bắc Brazil cũng đạt được thỏa thuận với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga về việc mua 39 triệu liều vaccine Sputnik V. Đây là một quyết định do chính quyền các địa phương đưa ra khi mà chính phủ liên bang chậm trễ trong việc mua vaccine ngừa COVID-19 khi chỉ mới ký duy nhất một hợp đồng với phòng thí nghiệm AstraZeneca của Anh.
Nhật Bản hạn chế số người được cấp phép nhập cảnh
Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ giới hạn số lượng người nhập cảnh vào nước này ở mức 2.000 người/ngày, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Phát biểu trên Đài truyền hình NHK, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) Kazuyoshi Akaba cho biết chính phủ dự định sẽ kiểm soát số lượng người tới Nhật Bản để có thể thực hiện các biện pháp kiểm dịch một cách thích đáng. Theo Bộ trưởng Akaba, MLIT đã đề nghị các hãng hàng không hợp tác trong đề xuất này. Cho đến nay, hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản là All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines đã nhất trí sẽ giới hạn số lượng hành khách nhập cảnh vào nước này trên các chuyến bay ở mức 3.400 người/tuần.
Trước đó, các hãng hàng không lớn của Nhật Bản đã thông báo tạm dừng việc nhận đặt vé trên các chuyến bay tới Nhật Bản. ANA sẽ dừng việc nhận đặt vé trên tất cả các chuyến bay quốc tế tới Nhật Bản trong thời gian từ nay tới ngày 21/3 và có thể gia hạn biện pháp này nếu sự bùng phát của các biến thể mới vẫn tiếp tục ở Nhật Bản. Trong khi đó, Japan Airlines tạm dừng nhận đặt vé trên các chuyến bay từ Anh, Đức và Pháp tới Nhật Bản. Hãng này khẳng định biện pháp này sẽ được duy trì cho đến khi tình hình dịch bệnh được cải thiện ở những quốc gia này.
Hàn Quốc có số ca mắc mới cao nhất trong 22 ngày
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới trong ngày 13/3 đã ở mức cao nhất trong vòng 22 ngày qua, ở mức trên 400 ca trong ngày thứ 5 liên tiếp. Cơ quan Phòng và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ghi nhận 490 ca nhiễm mới trong ngày 13/3, trong đó 474 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm lên 95.176 ca. Cũng trong ngày 13/3, đã có thêm 5 ca tử vong, nâng tổng số lên 1.667 ca.
Trong số ca nhiễm trên, hơn 130 ca liên quan đến một nhà tắm công cộng ở thành phố Jinju (miền Nam), khiến thành phố này phải yêu cầu cơ sở trên ngừng hoạt động trong 2 tuần và hàng trăm khách hàng cùng những người có tiếp xúc gần phải đi xét nghiệm.
Philippines phát hiện biến thể đặc biệt
Bộ Y tế Philippines ngày 13/3 cho biết đã phát hiện một biến thể SARS-CoV-2 hoàn toàn mới.
Phát biểu tại một cuộc họp báo theo hình thức trực tuyến, ông Anna Ong-Lim, thành viên Nhóm cố vấn kĩ thuật tại Bộ Y tế Philippines cho biết giới chức y tế Philippines đã lấy mẫu phân tích 85 ca nhiễm mới bằng một công cụ, phần mềm chuyên dụng, để xác định xem chủng này là loại đã xuất hiện trên thế giới hay chưa. Kết quả cho thấy, biến thể này là hoàn toàn mới.
Theo Bộ Y tế Philippines, biến thể có tên gọi là P.3 và tính đến thời điểm hiện tại, có 98 ca mắc liên quan đến biến thể mới. Giới chức y tế nước này cho biết cần có thêm thông tin để đánh giá về mức độ lây nhiễm và khả năng gây tử vong của P.3 so với các chủng cũ.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận 5.000 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, mức cao nhất trong vòng gần 7 tháng qua, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 616.611 ca.
Theo bộ trên, số ca tử vong cũng đã lên tới 12.766 ca sau khi ghi nhận thêm 72 ca trong ngày 13/3. Ngoài ra, có thêm 281 bệnh nhân đã phục hồi và được xuất viện cùng ngày, nâng tổng số lên 547.166 người đã khỏi bệnh.
Bộ kêu gọi người dân cảnh giác cao độ vì đã xuất hiện biến thể mới có khả năng lây lan nhanh. Chính phủ cho rằng tình trạng người dân không tuân thủ các quy định bảo vệ y tế cá nhân như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội khi ra khỏi nhà chính là nguyên nhân dẫn tới việc số ca nhiễm gia tăng.
Israel nới lỏng các hạn chế tại khu vực biên giới
Chính phủ Israel thông báo sẽ nới lỏng các hạn chế hiện đang áp đặt tại khu vực biên giới giữa nước này với Jordan và Ai Cập - những khu vực vốn đã bị đóng cửa kể từ cuối tháng 1 vừa qua nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo quyết định trên, Israel sẽ cho phép 700 người Jordan vào làm việc trong lĩnh vực khách sạn ở khu nghỉ mát Biển Đỏ ở thành phố Eilat của nước này, gần cảng Aqaba của Jordan. Họ sẽ phải xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh và bị cách ly vài ngay trước khi có thể bắt đầu công việc.
Bên cạnh đó, Israel cũng đang dần mở cửa trở lại các khách sạn, nhà hàng, quán bar, quán cà phê và một số cơ sở kinh doanh khác, song chỉ cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ và có "thẻ xanh" chứng minh điều này.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 4 triệu người (trong tổng dân số khoảng 9 triệu người) ở Israel được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Pfizer/BioNTech theo khuyến nghị.
Australia phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên sau hơn 2 tuần
Australia ngày 13/3 đã ghi nhận ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do lây nhiễm cộng đồng đầu tiên trong hơn 2 tuần qua.
Theo Thủ hiến bang Queensland - bà Annastacia Palaszczuk, một nữ bác sĩ đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 khiến nước này phải triển khai các biện pháp hạn chế tại các bệnh viện khu vực. Bác sĩ này đã điều trị cho 2 bệnh nhân mới trở về Australia và dương tính với biến thể mới của SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Anh.
Đây là ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại Australia kể từ ngày 24/2 vừa qua. Hiện cơ quan chức năng đang khẩn trương khoanh vùng những người từng có tiếp xúc với bác sĩ trên, cũng như những bệnh nhân mà bác sĩ này từng điều trị.
Tính đến thời điểm hiện tại, Australia đã ghi nhận 29.112 ca mắc COVID-19, trong đó có 909 ca tử vong. Trên thực tế, những con số nêu trên vẫn còn ít hơn nhiều so với các nước phát triển khác. Đây được xem là kết quả của những biện pháp chống dịch kịp thời của Chính phủ Australia như đóng cửa các biên giới quốc tế, các lệnh phong tỏa và những hạn chế xã hội nghiêm ngặt.
Đức cảnh báo số ca nhiễm quay lại mức cao nhất vào tháng 4
Các chuyên gia y tế Đức ngày 13/3 cảnh báo không nên nới lỏng thêm nữa các biện pháp phong tỏa trong bối cảnh số ca nhiễm đang tăng mạnh trở lại, làm dấy lên lo ngại rằng số ca nhiễm sẽ đạt đỉnh trở lại vào giữa tháng 4.
Viện Robert Koch (RKI) dự đoán số ca nhiễm theo ngày có thể vượt quá 30.000 ca vào tuần bắt đầu từ ngày 12/4. Báo cáo của RKI nêu rõ, từ xu hướng hiện nay cho thấy số ca nhiễm có thể vượt mức của Giáng sinh năm ngoái kể từ tuần thứ 14 (của năm 2021).
Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 10.554 ca nhiễm và 117 ca tử vong. Đến nay, tổng số ca tử vong của Đức là 73.907 ca trong tổng số 2.569.850 ca nhiễm.
Romania bước vào giai đoạn ba chương trình tiêm chủng
Trong khi đó, Romania sẽ bước vào giai đoạn ba của chương trình tiêm chủng vào ngày 15/3 tới (sớm hơn dự kiến) do nhận được nhiều vaccine hơn so với kế hoạch ban đầu.
Thủ tướng Romania Florin Citu đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết theo kế hoạch ban đầu, Romania dự kiến nhận được 2,4 triệu liều vào cuối tháng này, nhưng sẽ nhận được gần 2,6 triệu liều chỉ trong tháng 3/2021. Cụ thể, Romania sẽ nhận thêm 170.000 liều vaccine của Pfizer/BioNTech trong số 4 triệu liều bổ sung từ Liên minh châu Âu (EU). Theo ông Citu, Romania sẽ chủ yếu sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech trong tháng tới, vì dự kiến sẽ nhận được 3 triệu liều vaccine này vào tháng 4/2021.
Romania đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 vào cuối tháng 12/2020, với giai đoạn đầu tiên tập trung vào các chuyên gia y tế và giai đoạn 2 dành cho những người lớn tuổi, những người dễ bị tổn thương và những người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu.
Côte d'Ivoire tiêm vaccine cho trên 10.000 người trong 2 tuần
Bộ trưởng Y tế Côte d'Ivoire - ông Aka Aouélé cho biết nước này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 10.000 người trong hai tuần qua.
Côte d’Ivoire đã nhận được 504.000 liều vaccine của AstraZeneca/Oxford hồi cuối tháng trước, qua đó trở thành quốc gia đầu tiên tại Tây Phi được tiếp nhận vaccine theo cơ chế COVAX do Liên hợp quốc điều phối.
Quốc gia này đã phát động chiến dịch tiêm chủng kể từ ngày 1/3 vừa qua, với nhóm đối tượng mục tiêu là các nhân viên y tế, lực lượng quốc phòng-an ninh và giáo viên. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Aka Aouélé cảnh báo: “Từ tháng 2 đến tháng 3, tỷ lệ mắc bệnh ở Côte d’Ivoire đã tăng gấp đôi, điều này cho thấy dịch bệnh vẫn còn rất nghiêm trọng và đang trong giai đoạn gia tăng”. Hiện nay, ngoài quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở không gian khép kín và khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, Côte d’Ivoire không áp dụng thêm biện pháp hạn chế nào khác.
Tính đến hết ngày13/3, quốc gia 25 triệu dân này đã ghi nhận 37.304 trường hợp mắc COVID-19 và 211 trường hợp tử vong.