Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (72.916 ca), Ấn Độ (62.409 ca) và Colombia (29.945 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới cũng là Brazil (2.167 ca), Ấn Độ (1.310 ca) và Colombia (596 ca).
Như vậy, trong 24 giờ qua, Brazil đã vượt Ấn Độ và trở thành quốc gia có số ca mắc và tử vong hàng ngày cao nhất thế giới. Xu hướng này đã diễn ra trong vài ngày trở lại đây, khiến Brazil trở thành điểm nóng dịch bệnh lớn nhất thế giới hiện nay. Tính tới nay, Brazil có tổng cộng trên 17,7 triệu ca mắc, trong đó trên 496.000 ca tử vong.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia có tổng ca mắc và tử vong vì COVID-19 nhiều nhất thế giới: trên 34,3 triệu ca mắc và trên 616.400 ca tử vong.
Ngày thứ tư liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới dưới 70.000 ca
Ấn Độ đã ghi nhận 62.409 ca mắc mới và 1.310 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua.
Đây là ngày thứ 11 liên tiếp số ca mắc mới theo ngày của Ấn Độ giảm xuống dưới 100.000 ca/ngày và là ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới giảm xuống dưới 70.000, giảm mạnh so với mức đỉnh khoảng 400.000 ca/ngày hồi tháng 4 và 5/2021.
Tính từ đầu đại dịch, Ấn Độ ghi nhận trên 29,7 triệu ca mắc và trên 3.500 ca tử vong vì COVID-19.
Tình hình dịch tại Afghanistan đang vượt tầm kiểm soát
Tại Afghanistan, đại dịch COVID-19 dường như đang vượt ngoài tầm kiểm soát khi số ca mắc tại nước này tăng hơn 20 lần trong tháng qua, khiến các bệnh viện quá tải và nguồn lực y tế nhanh chóng cạn kiệt.
Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) ngày 17/6 cho biết hơn 30% số trường hợp xét nghiệm hồi tuần trước đều có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Giới chức y tế Afghanistan cho biết trong 24 giờ qua, nước này có thêm 2.313 ca mắc và 101 ca tử vong vì COVID-19. Các bệnh viện lớn đã không tiếp nhận bệnh nhân mới mắc COVID-19 trong bối cảnh thiếu giường bệnh và oxy y tế trầm trọng.
ICRC cảnh báo sự hạn chế trong việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 cùng tâm lý do dự tiêm chủng của người dân đang khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Hiện mới chỉ có 0,5% dân số Afghanistan đã được tiêm đủ liều vaccine. ICRC đang phối hợp với nhà chức trách để cung cấp thêm nguồn lực y tế, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế để giúp Afghanistan vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay.
Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành
Ngày 17/6, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành theo đúng kế hoạch vào ngày 20/6, nhưng vẫn duy trì biện pháp này ở tỉnh Okinawa cho đến ngày 11/7. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Olympic Tokyo sẽ khai mạc.
Tại các khu vực đã được dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trọng điểm, Chính phủ sẽ nâng giới hạn về số lượng khán giả tối đa được phép dự khán các sự kiện thể thao, giải trí quy mô lớn lên 10.000 người.
Phát biểu tại cuộc họp với nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ về ứng phó với dịch COVID-19 trong sáng 17/6, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura nhấn mạnh tình trạng căng thẳng của hệ thống y tế ở 7 tỉnh, thành này đã lắng dịu nhưng các địa phương này vẫn cần phải ngăn chặn số ca lây nhiễm gia tăng trở lại do sự gia tăng của lưu lượng người đi lại trên đường và sự lây lan của các biến thể SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Nishimura cho biết thêm rằng Chính phủ sẽ linh hoạt trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp hạn chế khi cần nhằm ngăn chặn nguy cơ sự gia tăng về số ca nhiễm mới có thể biến thành một làn sóng lây nhiễm mới.
Trong thời gian gần đây, dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tạm lắng ở Nhật Bản. Ngày 16/6, nước này chỉ ghi nhận thêm 1.710 ca nhiễm mới trên toàn quốc, giảm mạnh so với mức đỉnh 7.766 ca của đợt bùng phát này được ghi nhận vào ngày 9/5, và 80 ca tử vong vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo lại tăng từ 337 ca ngày 15/6 lên 501 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 3/6, số ca nhiễm mới ở thành phố này vượt ngưỡng 500 ca/ngày.
Hàn Quốc có trên 500 ca nhiễm mới ngày thứ 2 liên tiếp
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 17/6 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 540 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 523 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới ở Hàn Quốc ở mức 500 ca.
Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc là 149.731 ca, trong đó có 1.994 trường hợp không qua khỏi. Trước tình hình trên, KDCA dự kiến sẽ thực thi kế hoạch điều chỉnh giãn cách xã hội vào tháng 7 tới. Hiện khu vực Seoul và vùng phụ cận, thành phố Daegu và Đảo Jeju đang thực hiện giãn cách xã hội cấp độ 2 trong khi các khu vực còn lại duy trì ở cấp độ 1,5. Các cuộc tụ tập riêng tư từ 5 người trở lên vẫn bị cấm trên toàn quốc. Riêng các nhà hàng trong khu vực thủ đô có thể được phép hoạt động đến nửa đêm.
Mông Cổ: 8 ngày liên tiếp lập kỷ lục về số ca nhiễm mới
Trong 24 giờ qua, Mông Cổ ghi nhận thêm 2.642 ca mắc mới. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp số ca mắc mới trong 1 ngày của Mông Cổ ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Hiện tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lần lượt là 85.770 ca và 414 ca. Tính đến nay, 1.6.000 người dân nước này đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 kể từ khi nước này thực hiện chiến dịch tiêm vaccine quốc gia vào cuối tháng 2 vừa qua.
Anh ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể từ tháng 2
Ngày 17/6, Anh đã ghi nhận 11.007 ca mắc mới COVID-19 so với 9.055 ca một ngày trước đó - mức cao kỷ lục tại "xứ sở sương mù" kể từ hôm 19/2. Số ca mắc COVID-19 mới trong tuần qua tại Anh cũng tăng 34% so với tuần trước đó, với mức trung bình là 7.888 ca/ngày trong 7 ngày.
Cơ quan Y tế công cộng Anh cho biết, từ ngày 6-13/6, tỷ lệ ca mắc COVID-19 trong nhóm người ở độ tuổi từ 20-29 đã tăng lên 195,9 trên 100.000 người so với mức 123,6 vào tuần trước. Con số này cũng tăng từ 100,3 lên 143,3 đối với những người trong độ tuổi từ 10-19, song chỉ tăng nhẹ từ 10,6 lên 14,3 đối với những người từ 60 tuổi trở lên. Số ca nhập viện cũng tăng với 1.177 bệnh nhân nhập viện tính đến ngày 14/6.
Theo một nghiên cứu của trường Cao đẳng Hoàng gia London, dịch COVID-19 đang gia tăng tại Anh phần lớn do những người trẻ tuổi chưa được tiêm chủng vaccine. Nghiên cứu này chỉ ra rằng phần lớn những người mắc bệnh nằm trong độ tuổi từ 5-12 và 18-24.
Giáo sư Paul Elliot, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết biến thể Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ là thủ phạm gây nên 90% số ca mắc COVID-19 tại Anh. Tuy nhiên, những người lớn tuổi - nằm trong nhóm đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 - được bảo vệ rất tốt và vì vậy, việc Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành vào ngày 19/7 sẽ tạo khác biệt rất lớn, giúp tăng mức miễn dịch cộng đồng.
Tính tới nay, Vương quốc Anh ghi nhận tổng cộng 4,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 127.945 trường hợp tử vong.
Pháp cân nhắc bắt buộc nhân viên y tế phải tiêm phòng
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo việc tiêm vaccine phòng COVID-19 có thể là bắt buộc đối với các nhân viên y tế không muốn tiêm phòng.
Theo Bộ trưởng Veran, việc tiêm chủng là cần thiết và mang tính đạo đức vì những người này tiếp xúc với thường xuyên với người cao tuổi, đối tượng dễ bị lây nhiễm. Người cao tuổi là đối tượng chịu tác động nghiêm trọng của làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên và thứ hai ở Pháp hồi năm ngoái trước khi nước này tiến hành chương trình tiêm chủng quy mô và thực hiện giãn cách xã hội.
Lời cảnh báo trên được đưa ra vào ngày đầu tiên khi người dân ở Pháp được phép rời khỏi nhà mà không phải đeo khẩu trang nhờ chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc và số ca nhiễm mới thuyên giảm. Theo ông Veran, số ca nhiễm mới trong ngày 16/6 là trên 3.000 ca và dự đoán con số này sẽ giảm xuống 2.000 ca trong vòng 1 tuần và xuống 1.000 ca vào cuối tháng này.
Hiện, người dân có thể không phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, song vẫn có một số ngoại lệ như khi đến trung tâm mua sắp nhộn nhịp hay tham gia các sự kiện đông người. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn có hiệu lực trong không gian kín và trên phương tiện giao thông công cộng. Dự kiến, vào ngày 20/6 tới, Pháp sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm vào lúc 23h hàng ngày, sớm 1 tuần so với kế hoạch.
Đan Mạch tiêm phòng cho thanh thiếu niên trước mùa Đông
Ngày 17/6, Cơ quan y tế Đan Mạch cho biết sẽ đề nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lứa tuổi từ 12-15 sau khi nhóm người trưởng thành được tiêm chủng nhằm tăng khả năng miễn dịch trước khi mùa Đông tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người đứng đầu Cơ quan trên, ông Soren Brostrom nêu rõ: "Việc mở rộng nhóm tiêm chủng tới lứa tuổi 12-15 là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng miễn dịch lớn hơn trong dân số và do vậy giúp đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh tại Đan Mạch". Theo ông, việc tiêm chủng cho lứa tuổi này sẽ được bắt đầu sau khi hoàn tất tiêm đầy đủ 2 liều vaccine cho nhóm người trưởng thành vào giữa tháng 9 tới.
Giới chức y tế Đan Mạch cho biết nước này ban đầu sẽ chỉ đề nghị tiêm vaccine Pfizer/BioNTech cho lứa tuổi 12-15 vì đây là vaccine duy nhất được Cơ quan quản lý Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) cấp phép sử dụng cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Trong khi đó, EMA dự kiến trong tháng tới sẽ công bố quyết định sử dụng vaccine Moderna cho lứa tuổi này.
Đến nay, gần một nửa dân số Đan Mạch đã tiêm liều vaccine đầu tiên trong khi hơn 1/4 dân số đã tiêm đủ 2 liều.
Số ca mắc mới tại châu Phi tăng mạnh, tốc độ tiêm vaccine chậm
Ngày 17/6, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết số ca mắc COVID-19 tăng hơn 20% so với tuần trước tại gần 20 nước châu Phi trong khi tiến độ tiêm vaccine chậm, với chỉ 0,79% dân số của châu lục được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Moeti cho biết số ca mắc mới tăng gần 30% trong tuần qua và số ca tử vong tăng 15%, trong đó 5 nước gồm Nam Phi, Tunisia, Zambia, Uganda và Namibia chiếm 76% số ca mắc mới. Hiện châu Phi đang đối mặt với làn sóng thứ ba gia tăng mạnh của dịch COVID-19.
Lục địa 1,3 tỷ dân này chưa phải đối mặt với mức độ khẩn cấp do đại dịch tương tự như thực trạng gần đây tại Ấn Độ, song các quan chức WHO tiếp tục cảnh báo một thảm họa như vậy có nguy cơ xảy ra tại châu Phi. Tháng 4 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC) cũng cảnh báo các nước châu Phi thiếu giường bệnh, cũng như nguồn cung oxy y tế và thậm chí sẽ trở nên trầm trọng hơn Ấn Độ nếu số ca mắc tăng cao tương tự như ở quốc gia Nam Á này. Theo CDC châu Phi, châu lục này đến nay công bố tổng cộng hơn 5 triệu ca mắc COVID-19, chiếm 2,9% tổng số ca mắc toàn cầu.
Cũng trong cuộc họp báo khác cùng ngày, Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho biết chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại châu Phi nhìn chung tiến triển chậm trong khi số ca mắc mới gia tăng nhanh tại nhiều nước. Hiện một số nước châu Phi chưa bắt đầu triển khai công tác tiêm chủng.
Theo WHO và CDC châu Phi, nhiều nước châu Phi đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng với tốc độ tương đối tốt lại sắp hết nguồn dự trữ vaccine. Các nước Sao Tome và Principe, Maroc, Kenya, Cote d'Ivoire, Ghana và Libya đã sử dụng hơn 90% kho vaccine.