Diễn biến dịch COVID-19 tới 6 giờ sáng 26/3: Trên 21.100 người chết; nhiều nước thông qua gói hỗ trợ

Tính đến 6h sáng 26/3 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới là 466.633 người, số ca tử vong là 21.145 người. COVID-19 đã lây ra 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nước phải thông qua gói hỗ trợ khẩn cấp.

Số ca tử vong và ca nhiễm tăng mạnh

Chỉ trong 24 giờ qua, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng thêm 44.106 trên toàn thế giới; số ca tử vong tăng thêm 2.255 (tăng 16%). Không tính Trung Quốc, ba nước Italy, Mỹ và Tây Ban Nha là những ổ dịch có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới. Trong đó, số người chết ở Tây Ban Nha đã là 3.647, vượt Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra thiết bị xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 tại Bologna, Italy ngày 23/3. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện Italy là nước có số ca COVID-19 tử vong cao nhất thế giới. Tính tới 6h sáng 26/3, nước này ghi nhận thêm 5.210 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 74.6 ca, trong khi có 3 ca tử vong mới. Tổng cộng, Italy đã ghi nhận tới 7.503 ca tử vong. 

Ngày 25/3, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Italy, ông Ranieri Guera cho biết dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Âu này có thể sẽ đạt đỉnh điểm trong tuần này, sau đó sẽ giảm dần. Theo đó, ông Guera cho rằng tuần này và những ngày tiếp theo sẽ mang tính quyết định, bởi đó sẽ là thời điểm mà các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan của chính phủ Italy đưa ra trong 15-20 ngày qua sẽ phát huy hiệu quả, đồng thời bày tỏ hy vọng dịch COVID-19 sẽ suy giảm mạnh trong 5-6 ngày tới. 

Hãng thông tấn ANSA của Italy cho biết cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 diễn ra vào 18h hàng ngày sẽ tạm ngừng do người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy Angelo Borrelli có triệu chứng sốt. Trước đó, ông Borrelli đã xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần đầu với virus SARS-CoV-2 và hiện chờ kết quả mới. 

Trong khi đó, số ca tử vong tại Tây Ban Nha đã vượt Trung Quốc và ở mức 3.647 ca trong số 49.515 người mắc bệnh. Trung Quốc ghi nhận 3.281 ca tử vong trong số 81.218 ca mắc COVID-19. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị giường cho bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 22/3. Ảnh:THX/TTXVN

Ngày 24/3, các lực lượng vũ trang Tây Ban Nha đã đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ nhân đạo nhằm chống lại đại dịch COVID-19. Bất chấp lệnh phong tỏa chưa từng thấy được áp đặt từ ngày 14/3, cả số ca nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục tăng, khiến chính quyền kêu gọi quân đội tham gia nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus. Chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez ngày 24/3 đã đề nghị Quốc hội kéo dài sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đến ngày 11/4. Bộ Y tế cũng đã tăng cường việc xét nghiệm, số người được xét đã tăng gần 20%, lên 39.673 người.

Tại Pháp, tối 25/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố nước này sẽ triển khai chiến dịch quân sự mang tên “Résilience” (Kiên cường) để chống đại dịch COVID-19 theo đề xuất của Tổng tham mưu trưởng. Tổng thống Macron đưa ra tuyên bố trên trong chuyến thăm bệnh viện dã chiến quân đội ở thành phố Mulhouse. Chiến dịch Résilience sẽ tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người dân và cơ quan công quyền trong lĩnh vực hậu cần và bảo vệ.

Tính đến sáng 26/3, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1.331 bệnh nhân tại Pháp trong tổng số 25.233 người mắc bệnh. Số người chết đã tăng gấp 5 lần trong vòng một tuần và chỉ trong 24 giờ qua đã ghi nhận 231 người tử vong. Số người tử vong vì COVID-19 tại Pháp sẽ còn tiếp tục tăng do nước này đang có tới 2.827 người phải chăm sóc đặc biệt.

Nước Anh ghi nhận 9.529 ca mắc bệnh COVID-19 với 465 ca tử vong. Đáng chú ý trong ngày 25/3, Thái tử Anh Charles đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.  

Chú thích ảnh
Thái tử Charles tại một sự kiện ở London, Anh ngày 4/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc hội Anh sẽ tạm ngừng hoạt động trong ít nhất 4 tuần kể từ ngày 25/3. Theo kế hoạch ban đầu, quốc hội nước này sẽ tạm ngừng hoạt động trong 3 tuần kể từ ngày Lễ Phục sinh. Tuy nhiên, bản kiến nghị do lãnh đạo các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền tại Hạ viện Jacob Rees-Mogg đưa ra ngày 25/3 đề xuất triển khai chương trình này sớm hơn một tuần do lo ngại các nghị sĩ và nhân viên có nguy cơ sẽ bị lây nhiễm COVID-19 nếu vẫn tiếp tục làm việc. 

Sân bay thành phố London thông báo đóng cửa đình chỉ toàn bộ các chuyến bay thương mại và tư nhân từ tối 25/3 cho đến hết tháng 4 sau khi Chính phủ Anh yêu cầu người dân ở trong nhà và ngừng mọi hoạt động di chuyển. 

Tại Mỹ, đã có 64.832 người nhiễm bệnh COVID-19, trong đó 913 người tử vong. Mỹ là ổ dịch COVID-19 "nóng" thứ hai thế giới vào thời điểm này, chỉ sau Italy. Đáng lưu ý, Mỹ đã xác nhận trường hợp trẻ em đầu tiên tử vong do COVID-19 tại thành phố Los Angeles dù bệnh nhân trước đó có tình trạng sức khỏe tốt. Đây là ca tử vong ở trẻ em đầu tiên do virus SARS-CoV-2 tại Mỹ và là ca tử vong thứ ba trên thế giới ở độ tuổi này.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 23/3. Ảnh: THX/TTXVN

Mới đầu tháng 3, Mỹ chỉ ghi nhận khoảng 100 ca nhiễm SARS-CoV-2 và tình hình leo thang nhanh từ đó. Các quan chức liên bang và tiểu bang cảnh báo virus lây lan nhanh sẽ khiến hệ thống y tế Mỹ gặp nhiều thách thức. Các quan chức Mỹ thừa nhận con số ca nhiễm virus thực tế ở nước này có thể cao hơn nhiều. Mỹ chậm trễ trong xét nghiệm nên số lượng người tiếp cận dịch vụ này còn hạn chế.

Theo kênh CNBC (Mỹ), New York là nơi có số ca nhiễm virus nhiều nhất Mỹ, chiếm gần một nửa số ca của cả nước. Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo cho biết cần có thêm hàng chục nghìn giường bệnh và máy thở nữa cho các bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện. Ông cũng cảnh báo các bang khác cần chuẩn bị sẵn sàng khi tình hình ở New York sẽ xảy ra ở California, Washington…

Tại châu Á, Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này đã ghi nhận thêm 107 ca mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước lên 934 người. Theo sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc có hiệu lực từ nửa đêm 25/3 đến ngày 30/4 tới được công bố ngày 25/3, tất cả người nước ngoài đều không được phép nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này.    

Chú thích ảnh
Binh sĩ Malaysia làm nhiệm vụ tại một chốt chặn trong thời gian thực thi lệnh phong tỏa nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ở Putrajaya ngày 22/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia phát hiện thêm 5 người nước ngoài ở tỉnh Preah Sihanouk có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số người bị mắc COVID-19 tại nước này lên con số 96. Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã tuyên bố hủy tất cả các hội nghị quốc tế  ở nước này, đồng thời yêu cầu các quan chức dừng tham dự các cuộc gặp và hội nghị ở nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Trang mạng freshnewsasia đưa tin Thủ tướng Hun Sen cũng đang xem xét lùi thời gian tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu sang năm 2021.  

Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận thêm một ca mắc COVID-19. Như vậy, Lào đã có ba ca mắc COVID-19, sau khi phát hiện hai ca đầu tiên ngày 24/3.  

Malaysia đã ghi nhận 172 ca nhiễm mới virus, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 ở nước này lên 1.796 ca, trong đó có 20 người tử vong. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO) đến ngày 14/4 sau khi mệnh lệnh này kết thúc vào ngày 31/3 trong bối cảnh số ca bị nhiễm SARS-CoV-2 tại Malaysia tiếp tục tăng lên. 

Philippines ghi nhận thêm 84 ca mắc, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 636 người, trong đó có ca tử vong. Tổng thống nước này Rodrigo Duterte đã ký ban hành luật cho phép Tổng thống thực thi các biện pháp khẩn cấp đối phó với dịch COVID-19. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh:THX/TTXVN

Giới chức Iran thông báo số ca tử vong tại nước này do COVID-19 trong 24 giờ qua tăng thêm 143. Như vậy, tính tới nay, quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận 2.077 trường hợp tử vong do mắc COVID-19. 

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 và tử vong trong nước ngày một tăng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định sẽ áp đặt các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó có việc cấm đi lại, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong 15 ngày và có thể được tiến hành ngay từ đêm 25/3. Cho đến nay, Iran vẫn chưa áp dụng biện pháp cấm đi lại, chỉ vận động người dân nên ở nhà. Tuy nhiên, đa số người dân phớt lờ khuyến cáo này. Bất chấp tình hình dịch bệnh, cuối tuần qua, hằng trăm người dân Iran vẫn đổ ra các đường phố để tận hưởng kỳ nghỉ Năm mới Ba Tư kéo dài 2 tuần. Do đó, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei ngày 25/3 cảnh báo này có thể đối mặt với một làn sóng bùng phát COVID-19 thứ hai.

Tại châu Phi, Libya đã xác nhận ca nhiễm đầu tiên. Còn Bộ Y tế Nam Phi ghi nhận 709 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 155 ca so với ngày trước đó, trong bối cảnh chỉ còn một ngày nữa nước này bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong vòng 21 ngày.

Các nước thông qua gói hỗ trợ

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng bên ngoài một siêu thị ở Berlin, Đức ngày 23/2. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày qua, nhiều nước đã thông qua gói cứu trợ giá trị lớn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với COVID-19.

Tại Mỹ, các thượng nghị sỹ Mỹ và giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đạt được thỏa thuận về dự luật kích thích kinh tế dự kiến trị giá 2.000 tỷ USD nhằm giảm bớt tác động về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. 

Theo quy định, Quốc hội lưỡng viện Mỹ vẫn cần bỏ phiếu thông qua dự luật hỗ trợ và kích thích nền kinh tế này trước khi chuyển tới Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật. Nếu được thông qua, gói kích thích lần này sẽ là gói cứu trợ thứ ba của Chính phủ Mỹ trong nỗ lực giảm bớt tác động từ dịch COVID-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ hai trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng. 

Cùng ngày, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua gói các biện pháp bảo vệ nền kinh tế lớn nhất châu Âu này với trị giá lên tới gần 1.100 tỷ euro. Theo đó, Chính phủ Đức sẽ thành lập một "quỹ bình ổn kinh tế" cung cấp 400 tỷ euro để bảo đảm cho các khoản nợ của các công ty, 100 tỷ euro cho vay hoặc mua cổ phần của các công ty và 100 tỷ euro hỗ trợ cho Ngân hàng đầu tư của nhà nước KfW.

Ngoài ra, Chính phủ liên bang sẽ đề nghị hỗ trợ tới 50 tỷ euro cho các công ty nhỏ hơn. Gói cứu trợ này cũng bao gồm 3,5 tỷ euro hỗ trợ ngay cho hệ thống y tế các thiết bị bảo hộ cần thiết và phát triển vaccine phòng chống cũng như phương pháp điều trị bệnh COVID-19, 55 tỷ euro có thể được huy động trong trường hợp cần thiết nhằm chống lại dịch bệnh. 

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã thông qua kế hoạch cứu trợ của Chính phủ Đức để đảm bảo các khoản vay cho các doanh nghiệp chịu tác động của đại dịch COVID-19. Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager cho biết mục đích của các biện pháp này là cung cấp thanh khoản cho các công ty để bảo vệ việc làm cho người lao động và duy trì hoạt động trong thời gian khó khăn này. 

Trong khi đó, Hạ viện Canada sáng 25/3 (giờ địa phương) đã thông qua gói cứu trợ trị giá 82 tỷ CAD (trên 56 tỷ USD) nhằm giúp các cá nhân và doanh nghiệp khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Các nghị sĩ đã tiến hành thảo luận thâu đêm 24/3 về các quyền trong trường hợp khẩn cấp dành cho chính phủ thiểu số của Thủ tướng Justin Trudeau. Thượng viện Canada dự kiến sẽ thông qua gói cứu trợ này trong sáng 25/3 (giờ địa phương).

Thùy Dương/Báo Tin tức
Bằng chứng khoa học của biện pháp giãn cách xã hội phòng COVID-19
Bằng chứng khoa học của biện pháp giãn cách xã hội phòng COVID-19

Khi dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia đều áp dụng các biện pháp để mọi người không ở cạnh nhau quá gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN