Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 6h00 ngày 25/4, trên toàn thế giới hiện có 2.826.035 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 196.931 trường hợp tử vong. Số người được chữa khỏi bệnh đang là 779.877 người, trong khi số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch là 58.361 ca.
Mỹ tiếp tục là ổ dịch lớn nhất thế giới với trên 900.000 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-Cov-2) gây bệnh COVID-19 và trên 52.000 ca tử vong. Quốc gia xếp thứ hai là Tây Ban Nha đón nhận tin vui trong ngày 24/4 khi số ca tử vong ở nước này trong 24 giờ qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng.
Mỹ: Số ca tử vong lên trên 52.000
Đến 6h00 sáng 25/4 (theo giờ VN), nước Mỹ ghi nhận thêm 1.508 trường hợp tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 52.061 trường hợp, trong khi tổng số ca nhiễm virus đã là 916.348 người.
Số ca tử vong thực tế có thể cao hơn do hầu hết các bang chỉ thống kê những bệnh nhân trong bệnh viện chứ không tính những người tử vong tại nhà. Khoảng 40% số ca tử vong ở New York - tâm dịch COVID-19 ở Mỹ, tiếp đến là các bang New Jersy, Michigan và Massachusetts. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết số ca tử vong ở Mỹ vượt 52.000 người đồng nghĩa vượt xa tổng số người Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là 36.516 người.
Ngày 24/4 Thống đốc bang New York Andrew Cuomo tuyên bố rằng, virus SARS-CoV-2 lây nhiễm lần đầu tiên cho người dân tại tiểu bang New York là tới từ châu Âu, không phải từ Trung Quốc, và rằng lệnh cấm du khách từ Trung Quốc được Tổng thống Donald Trump đưa ra là quá muộn để tránh sự lây lan của dịch bệnh. Tổng thống Trump đã ban hành lệnh cấm người đến từ Trung Quốc vào ngày 2/2, hơn một tháng sau khi có thông tin bùng phát ổ dịch ở Trung Quốc, đồng thời quyết định hạn chế đi lại từ châu Âu trong tháng 3, khi virus đã lan ra rộng khắp nước Mỹ. Thống đốc Cuomo nêu rõ: "Chúng tôi đã đóng cửa trước bằng lệnh cấm du khách đến từ Trung Quốc, điều này hoàn toàn đúng đắn, song chúng tôi lại để mở cửa sau (ý nói châu Âu)".
Cùng ngày Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) khuyến cáo không nên sử dụng 2 loại thuốc chữa sốt rét là hydroxychloroquine và chloroquine trong điều trị các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 do có nguy cơ gây ra những vấn đề nghiêm trọng về nhịp tim. Thuốc hydroxychloroquine từng được Tổng thống Trump ca ngợi là "vũ khí" điều trị bệnh COVID-19.
Cũng trong ngày 24/4, Tổng thống Donald Trump đã ký thông qua dự luật trị giá 484 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện đang phải chịu sức ép lớn của dịch COVID-19 cũng như tăng cường năng lực xét nghiệm. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, Quốc hội Mỹ đã thông qua 3 dự luật cứu trợ kinh tế, trong đó có gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ trị giá hơn 2.000 tỷ USD. Washington cũng tuyên bố sẽ không tham gia sáng kiến toàn cầu chống dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi Tổng thống Donald Trump mới đây thông báo ngừng đóng góp quỹ cho tổ chức này.
Tây Ban Nha: Số ca tử vong thấp nhất trong hơn 1 tháng
Tới 6h sáng 25/4, Tây Ban Nha ghi nhận 219.764 ca mắc COVID-19 và 22.524 ca tử vong. Tuy nhiên, nước này cũng đón nhận tin vui khi số ca tử vong trong 24 giờ qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng (367 ca). Hiện quốc gia thuộc Bán đảo Iberia vẫn là tâm dịch lớn nhất tại châu Âu
Italy nới phong toả trong 4 tuần nữa
Ngày 24/4, truyền thông Italy đưa tin nước này sẽ nởi lỏng lệnh phong tỏa trong khoảng 4 tuần nữa. Quốc gia Địa Trung Hải này là nơi áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất và dài nhất ở châu Âu. Theo nhật báo Corriere della Sera, "sự mở cửa trở lại của Italy" còn phụ thuộc vào mức độ lây nhiễm, tuy nhiên nếu số ca mắc bệnh không tăng thêm thì "các nhà máy sản xuất trang thiết bị nông - lâm nghiệp có thể mở cửa trở lại vào ngày 27/4". Các công trình đang xây dựng dang dở cũng như ngành may mặc và thời trang có thể tái hoạt động vào ngày 4/5, tiếp sau đó 1 tuần là các cửa hàng quần áo, giày dép và nhiều cửa hàng khác. Cuối cùng các quán bar, nhà hàng và tiệm cắt tóc có thể mở cửa lại vào ngày 18/5.
Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết nước này ghi nhận thêm 3.021 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 192.994 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 25.969 trường hợp (tăng 420 ca) và số ca hồi phục là 60.498 ca (tăng 2.922 ca). Liên đoàn Bác sĩ Italy (FNOMCEO) cho biết 150 bác sĩ đã tử vong do nhiễm SARS-CoV-2, và 19.628 y bác sĩ, nhân viên y tế mắc COVID-19.
Trong khi đó, một nghiên cứu khoa học công bố ngày 24/4 cho thấy những ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên tại Italy - "điểm nóng" của đại dịch ở châu Âu, đã xuất hiện từ tháng 1/2020, thậm chí sớm hơn. Nhưng trên thực tế, Italy chỉ bắt đầu tiến hành xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi xác nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 21/2.
Anh sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Vaccine toàn cầu
Bộ Y tế Anh ngày 24/4 ghi nhận thêm 4 ca tử vong tại bệnh viện do nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 19.506 người, tính tới 6h sáng 25/4 (theo giờ VN). Trong khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 là 143.464 ca, tăng 5.6 ca trong vòng một ngày.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cùng ngày thông báo Anh sẽ tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh Vaccine toàn cầu nhằm cổ vũ cộng đồng quốc tế cùng nhau hỗ trợ phát triển vaccine chống COVID-19. Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps thông báo nước này sẽ sử dụng máy bay không người lái để giao thuốc và dụng cụ y tế kể từ tuần tới.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/4 cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson đang có trạng thái sức khỏe tốt sau một thời gian điều trị bệnh COVID-19. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh dư luận đang đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Anh chuẩn bị trở lại với công việc và đang xem xét có dỡ bỏ lệnh phong tỏa đang áp dụng trên toàn quốc hay không.
Cùng ngày, Sở Cảnh sát London cho hay đã bắt giữ trên 4.000 người vì cáo buộc lạm dụng trong gia đình kể từ khi lệnh giới hạn người dân ở nhà được thực thi.
Đức: Một số địa phương "nóng vội"
Đức hiện ghi nhận 154.545 ca COVID-19, tăng thêm 1.416 ca, trong đó số ca tử vong là 5.723 người, trong khi 106.800 người đã được chữa khỏi, tăng 3.500 người so với một ngày trước.
Thủ tướng Angela Merkel cho biết con số thống kê gần đây "mang lại hy vọng", nhưng "kết quả tạm thời này rất mong manh". Bà Merkel chỉ trích một số địa phương đã quá "nóng vội" trong xử lý dịch bệnh, yêu cầu tất cả các địa phương phải tiếp tục cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh nguy cơ khiến công sức chống dịch của chính phủ đổ bể.
Một vài doanh nghiệp nhỏ và một số điểm công cộng tại Đức đã được phép mở cửa trở lại từ ngày 20/4, trong khi đó lệnh hạn chế di chuyển trên toàn quốc vẫn tiếp tục được áp dụng tại Đức tới ít nhất ngày 3/5 tới.
Dịch lây lan mạnh tại Nga, Ukraine
Số ca nhiễm mới tại Nga đã tăng thêm 5.849 ca trong vòng 24h qua, đưa tổng số ca nhiễm lên .662 người. Nga cũng ghi nhận thêm 60 ca tử vong, đưa tổng số người tử vong tại đây lên 615 ca. Ngoài ra, tổng số người khỏi bệnh là 5.5 ca.
Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đông nhất. Chỉ tính riêng trong 24 giờ qua, Moskva có 2.957 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc bệnh ở thủ đô lên 36.897 người; và 37 người tử vong, đưa tổng số người tử vong lên 325 ca.
Tại Ukraine, Bộ Y tế Ukraine thông báo tính đến 9h sáng 24/4, nước này đã ghi nhận thêm 477 ca nhiễm mới, đưa tổng số người nhiễm lên 7.647 người.
Tại Bỉ, ngày 24/4, Thủ tướng Sophie Wilmès thông báo quyết định các biện pháp dỡ bỏ cách ly xã hội vào tháng 5 như mở lại trường học, cửa hàng, dịch vụ, mang khẩu trang bắt buộc tại một số nơi công cộng, dựa theo đề xuất của nhóm 10 chuyên gia về khoa học và kinh tế. Việc dỡ bỏ cách ly sẽ được thực hiện từng bước và dựa trên một số điều kiện như số người nhập viện vì virus phải trong tầm kiểm soát - tối đa 200 người/ngày- hay số ca xét nghiệp thực hiện phải đạt tối thiểu 25.000 ca/ngày.
Trong khi đó, Chính phủ Séc đã thông qua kế hoạch đề nghị Hạ viện nước này gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia đến ngày 25/5. Tình trạng khẩn cấp hiện tại ở Séc theo kế hoạch sẽ có hiệu lực đến hết ngày 30/4, cho phép chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa các lĩnh vực không thiết yếu. Séc đến nay có 7.188 ca mắc bệnh COVID-19 và 213 ca tử vong.
Chính phủ Hungary đang cân nhắc điều chỉnh các quy định giãn cách xã hội kể từ đầu tháng tới. Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia ngày 24/4, Thủ tướng Viktor Orban cho biết các quy định mới sẽ tập trung nhằm vào các nhóm đối tượng là người già, người bệnh và những người sống ở các thành phố lớn.
Tại châu Á, Bộ Y tế Iran cho biết ngày 24/4, nước này đã ghi nhận thêm 93 ca tử vong vì mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở đây lên thành 5.574 người. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở Iran hiện là 88.194, trong đó có 3.121 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Hàn Quốc: Giãn cách xã hội song song với duy trì nhịp sống bình thường
Ngày 24/4, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố nội dung hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội song song với duy trì nhịp sống bình thường, bao phủ 31 lĩnh vực khác nhau từ công việc đến sinh hoạt hằng ngày và các hoạt động vui chơi giải trí. Cụ thể, những trường hợp sốt trên 37,5 độ hoặc có triệu chứng về hô hấp được yêu cầu không đến nơi làm việc mà phải nghỉ ngơi tại nhà, giữ khoảng cách trên 1 m với người khác, đảm bảo không gian sinh hoạt thông thoáng, rửa tay và khử trùng thường xuyên. Trường hợp sử dụng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm hay xe buýt, cần tránh lên tàu/xe khi thấy đã đông người và tránh nói chuyện với người khác. Các quán ăn và quán cafe duy trì hoạt động giao hàng, bán mang đi, trường hợp khách sử dụng đồ tại chỗ phải duy trì khoảng cách giữa các bàn trên 1m. Do đây mới chỉ là dự thảo, lực lượng chức năng sẽ tiến hành trưng cầu ý dân, thu thập ý kiến chuyên gia để chốt những nội dung cuối cùng. Từ ngày 27/4 tới, Hàn Quốc sẽ chính thức thực hiện quản lý các đối tượng vi phạm quy định tự cách ly bằng vòng tay điện tử. Trường hợp từ chối đeo vòng tay này sẽ bị đưa đến các khu cách ly tập trung.
Ngày 24/4, Hàn Quốc chỉ ghi nhận thêm 3 trường hợp mắc bệnh, như vậy tổng số ca COVID-19 là 10.708, với 240 ca tử vong.
Nhật Bản nâng cảnh báo đi lại đối với 14 nước
Cũng trong ngày 24/4, Nhật Bản đã nâng cảnh báo đi lại đối với 14 nước, trong đó có Nga, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, lên mức 3, theo đó công dân Nhật Bản không nên đến các nước trên. Những người nước ngoài đã từng ở 14 nước trên trong vòng 2 tuần trước khi đến Nhật Bản sẽ bị từ chối nhập cảnh. Như vậy, tính đến nay, Nhật Bản đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với 87 nước và khu vực.
Đến hết ngày 24/4, Nhật Bản ghi nhận 12.3 ca bệnh COVID-19, trong đó 328 trường hợp tử vong.
Tại các nước châu Á khác, ngày 24/4, giới chức Sri Lanka đã quyết định cách ly doanh trại hải quân Welisara ở ngoại ô thủ đô Colombo sau khi 30 quân nhân tại đây có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, Sri Lanka ghi nhận 373 trường hợp mắc COVID-19 và 7 người tử vong.
Trong khi đó, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 1.755 ca mắc COVID-19 trong 24h qua, đưa tổng số người mắc bệnh lên 23.077. Tổng số ca tử vong tại nước này là 718. Cùng ngày, Pakistan đã ghi nhận thêm 642 ca mắc COVID-19 và 13 người tử vong, đưa tổng số người mắc và tử vong tại quốc gia Nam Á này lần lượt là 11.155 và 237.
Tại Trung Quốc, giới chức y tế ngày 24/4 cho biết số ca mắc COVID-19 ở tỉnh Hồ Bắc đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 50. Tính đến ngày 24/4, tỉnh Hồ Bắc không ghi nhận thêm bất kỳ trường hợp nào mắc COVID-19 mới hoặc nghi ngờ mắc bệnh trong 20 ngày liên tiếp.
Đông Nam Á "nóng" tình hình Singapore
Tại Đông Nam Á - khu vực có nguy cơ trở thành điểm nóng mới của thế giới, số ca mắc COVID-19 không ngừng gia tăng. Cụ thể, trong 24 giờ qua, vùng dịch lớn nhất là Singapore tiếp tục phát hiện thêm 897 ca mắc bệnh COVID-19. Như vậy, tính đến nay, số người mắc COVID-19 tại quốc đảo này là 12.075 người, trong đó có 12 người tử vong.
Indonesia cũng ghi nhận thêm 436 trường hợp mắc COVID-19, mức cao nhất trong ngày kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện tại nước này, và 42 ca tử vong. Tính đến nay, nước này đã ghi nhận 8.211 người mắc COVID-19, trong đó có 9 người tử vong. Philippines cũng có thêm 211 người mắc COVID-19 và 15 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 7.192 ca và số ca tử vong lên 477 ca.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gia hạn lệnh phong tỏa tại thủ đô Manila và các tỉnh có nguy cơ cao trên đảo Luzon thêm 2 tuần cho đến ngày 15/5 tới. Trong khi đó, Malaysia xác nhận thêm 88 người mắc COVID-19 và 1 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh ở nước này lên 5.691, trong đó có 96 ca tử vong. Đây là ngày thứ tám liên tiếp, số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng 2 con số.
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo Australia sẽ phải chuẩn bị đối mặt với sự bùng phát của các ổ dịch COVID-19 mới sau khi các hạn chế về kinh tế và xã hội được dỡ bỏ. Dự kiến, trong vài tuần tới, chính quyền liên bang và các bang ở nước này sẽ mở cửa trở lại một số hoạt động xã hội và kinh tế song song với việc mở rộng quy mô xét nghiệm và đưa vào sử dụng rộng rãi ứng dụng theo dõi người tiếp xúc bệnh nhân COVID-19. Tính đến nay, số các ca nhiễm COVID-19 ở Australia là 6.675, trong đó hơn 5.000 người đã hồi phục, trong khi số ca tử vong là 79 trường hợp.