Đây là lần đầu tiên EU đưa ra hành động như vậy ngay khi một cuộc điều tra bắt đầu, chứ không đợi cho đến khi cuộc điều tra dẫn đến những biện pháp thương mại áp dụng đối với khối này.
EC cho biết EU đưa ra hành động nói trên vì trong một thời gian ngắn, Trung Quốc ngày càng có xu hướng khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại, dựa trên những cáo buộc không xác thực và không đủ bằng chứng.
Thủ tục tại WTO bắt đầu bằng một giai đoạn bắt buộc kéo dài 60 ngày để các bên tham vấn lẫn nhau. EC cho biết sẽ yêu cầu WTO thành lập một ban giải quyết tranh chấp nếu các cuộc tham vấn không tìm ra một giải pháp thỏa đáng. Các ban giải quyết tranh chấp của WTO thường mất hơn một năm để đưa ra phán quyết.
Trung Quốc đã khởi xướng cuộc điều tra chống trợ cấp vào ngày 21/8, nhắm vào các mặt hàng sữa nước, kem có hàm lượng chất béo trên 10% và những loại phô mai của EU, với mục tiêu là các khoản trợ cấp dành cho 27 quốc gia thành viên EU theo Chính sách nông nghiệp chung, bao gồm cả các kế hoạch trợ cấp quốc gia ở Ireland (Ai-len), Áo, Bỉ, Italy, Croatia, Phần Lan, Romania và CH Czech.
Trong khi đó, EC cho biết họ tin rằng các chương trình trợ cấp cho các mặt hàng từ sữa của EU hoàn toàn phù hợp với các quy định quốc tế và không gây thiệt hại cho ngành sữa của Trung Quốc.
Trước đó, hồi tháng Bảy, EU đã áp đặt thuế tạm thời đối với mặt hàng xe điện được sản xuất tại Trung Quốc, và các nước thành viên của EU dự kiến sẽ sớm bỏ phiếu về mức thuế cuối cùng, sẽ được áp dụng trong 5 năm.
Ngoài điều tra các sản phẩm từ sữa của châu Âu, Trung Quốc cũng đang tiến hành những cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các mặt hàng rượu brandy và thịt lợn của khối này.