Nóng trong tuần: Giao tranh leo thang giữa Israel và Hezbollah; nóng cuộc chiến thuế xe điện EU-Trung Quốc

Tuần qua nổi lên những vấn đề đáng chú ý như: Hội nghị G7 bàn thảo nhiều vấn đề cấp bách, giao tranh leo thang nguy hiểm giữa Israel và Hezbollah, cuộc chiến thương mại EU-Trung Quốc nóng lên với thuế xe điện và xung đột UKraine có nhiều diễn biến mới.

Chú thích ảnh
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở thành phố Fasano, Puglia, miền Nam Italy, ngày 13/6/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Những vấn đề chính nổi lên tại hội nghị G7

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã khai mạc vào chiều 13/6 (theo giờ địa phương) tại Borgo Egnazia, một khu nghỉ dưỡng gần thị trấn Fasano ở miền Nam Italy. Diễn ra đến ngày 15/6, chương trình nghị sự của hội nghị trên bao gồm 6 phiên họp về phát triển châu Phi và biến đổi khí hậu, tình hình ở khu vực Trung Đông, xung đột ở Ukraine, di cư, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và một phiên họp đặc biệt tập trung vào trí tuệ nhân tạo và năng lượng.

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này có sự tham dự của lãnh đạo các nước như Canada, Mỹ, Anh, Italy, Pháp, Đức, Nhật Bản cũng như các nhà lãnh đạo của Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu. Lãnh đạo các nước khác cũng được mời tham dự gồm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ngoài ra, danh sách khách mời còn có một số lãnh đạo châu Phi gồm Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune, Tổng thống Kenya William Ruto và Tổng thống Tunisia Kais Saied.

Thủ tướng nước chủ nhà Italy Giorgia Meloni cho biết hội nghị lần này muốn chuyển tải thông điệp đối thoại với khu vực Nam bán cầu và đoàn kết. Bà Meloni cũng ví G7 như cây ô liu cổ thụ là biểu tượng của vùng Puglia với "bộ rễ vững chắc và cành hướng về tương lai".

Trong ngày đầu tiên của hội nghị G7, lãnh đạo các quốc gia thành viên đã nhất trí cho Ukraine vay 50 tỷ USD, sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga. Bên cạnh đó, G7 cam kết hành động chống lại các tổ chức tài chính Trung Quốc đã giúp Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine, đồng thời tuyên bố sẽ "hành động" và "khắc phục những tổn hại đang diễn ra" để xử lý các hoạt động kinh doanh “không công bằng” của Trung Quốc.

Ngoài ra, hội nghị G7 cũng nhất trí thúc đẩy dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi với khoản đầu tư trị giá 320 triệu USD cho một dự án đường sắt. Các nhà lãnh đạo của khối cũng đã cam kết tăng cường nỗ lực phòng, chống suy dinh dưỡng trên toàn cầu và kêu gọi tạo điều kiện cho các cơ quan LHQ hoạt động ở Gaza.

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra sau khi các đảng cực hữu trên khắp châu Âu giành được những thắng lợi với quy mô đáng ngạc nhiên trong các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa kết thúc. Những chiến thắng đó - cùng với cuộc bầu cử sắp tới ở Vương quốc Anh, Pháp và Mỹ - đã làm rung chuyển giới chính trị toàn cầu và tăng thêm sức nặng cho hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên tại Cao nguyên Golan sau các vụ tấn công bằng tên lửa từ Liban ngày 13/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Giao tranh leo thang nguy hiểm giữa Israel và Hezbollah

Giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah ở Liban đã leo thang nguy hiểm trong tuần qua. Hãng tin Reuters cho biết, lực lượng cứu hộ Israel thông báo họ đang đối phó với một loạt vụ hỏa hoạn ở miền Bắc Israel ngày 14/6, sau khi hàng chục tên lửa được phóng từ miền Nam Liban vào khu vực xung quanh thị trấn biên giới Kiryat Shemona. Quân đội Israel thông báo còi báo động đã vang lên ở miền Bắc nước này.

Trước đó ngày 13/6, còi báo động không kích đã vang lên khắp các thành phố ở miền Bắc Israel và giới chức Israel cho biết khoảng 40 quả rocket đã được phóng từ Liban vào buổi chiều cùng ngày. Đài truyền hình Kan đã phát sóng cảnh quay về nhiều vụ đánh chặn tên lửa giữa không trung phía trên các thị trấn của Israel, bao gồm cả ở Safed, cách biên giới khoảng 12 km.

Trong khi đó, các nguồn tin Liban xác nhận 1 phụ nữ thiệt mạng và 14 dân thường khác bị thương vào đêm 13/6 trong một cuộc không kích của Israel nhắm vào một ngôi nhà nằm giữa thị trấn Jannata và khu đô thị Deir Qanoun En Nahr ở miền Nam Liban. Một máy bay chiến đấu của Israel đã phá hủy một ngôi nhà 2 tầng bằng 2 tên lửa không đối đất. Trong khi đó, nguồn tin y tế cho hay những người bị thương - trong đó có 4 người trong tình trạng nguy kịch - đã được chuyển đến 3 bệnh viện ở thành phố Tyre. Lực lượng chức năng và người dân đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Trước đó cùng ngày, Hezbollah thông báo đã phóng rocket và triển khai thiết bị bay không người lái (UAV) được vũ trang tấn công vào 9 địa điểm quân sự của Israel trong một cuộc tấn công phối hợp, làm gia tăng tình trạng thù địch ở biên giới phía Nam Liban trong ngày thứ 2 liên tiếp.

Trước tình hình leo thang trên, Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng ở miền Nam Liban cũng như toàn khu vực Trung Đông. Quân đội Mỹ cũng đã kêu gọi giảm căng thẳng biên giới giữa Liban và Israel trong bối cảnh xung đột gia tang tại khu vực này sau khi một chỉ huy cấp cao của phong trào Hezbollah ở Liban thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Israel.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh nêu rõ Washington không muốn chứng kiến cuộc xung đột khu vực leo thang và mở rộng. Theo bà Singh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nêu vấn đề trên trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Yoav Gallant ngày 11/6. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Gallant ngày 14/6 đã loại trừ sự tham gia của Israel vào sáng kiến ​​giảm leo thang do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất, cáo buộc Paris có thái độ thù địch với Israel. Ông Macron đề xuất rằng Pháp, Mỹ và Israel nên thành lập một nhóm liên lạc để nỗ lực xoa dịu căng thẳng dọc biên giới Israel-Liban.

Kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas ở Dải Gaza bùng phát hồi tháng 10/2023, các cuộc giao tranh xuyên biên giới giữa phong trào Hezbollah ở Liban và Israel xảy ra hầu như hằng ngày. Ngày 12/6, lực lượng Hezbollah xác nhận đã bắn hàng chục quả rocket nhằm vào các căn cứ quân sự và phóng tên lửa về phía một nhà máy của quân đội Israel để đáp trả vụ quân đội Israel tấn công khiến Taleb Abdallah - một chỉ huy cấp cao của Hezbollah và 3 tay súng thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Nóng cuộc chiến thuế xe điện EU-Trung Quốc 

Chỉ chưa đầy một tháng sau khi Mỹ công bố kế hoạch tăng gấp bốn lần thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100%, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 12/6 cho biết sẽ đánh thuế bổ sung lên tới ,1% đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu từ tháng 7 năm nay. Cụ thể, EU thông báo sẽ chống lại các khoản trợ cấp quá mức của Trung Quốc bằng cách áp thêm thuế quan, từ 17,4% đối với hãng BYD lên đến ,1% đối với hãng SAIC, ngoài mức thuế hiện tại 10%.

Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang phải đối mặt với thách thức từ dòng xe điện giá rẻ hơn của các đối thủ Trung Quốc. EC ước tính thị phần của các nhà sản xuất Trung Quốc trên thị trường EU đã tăng từ dưới 1% vào năm 2019 lên 8% và có thể đạt 15% vào năm 2025. EC cho biết giá xe Trung Quốc thường thấp hơn 20% so với các mẫu xe sản xuất tại EU.

Phản ứng về động thái mới nhất của EU, Trung Quốc cho rằng các mức thuế quan mà khối áp lên ô tô điện nước này là hành động bảo hộ. Đồng thời, Trung Quốc cho biết nước này sẽ thực hiện "tất cả các biện pháp cần thiết" để bảo vệ lợi ích của mình.

Trong cuộc họp báo ngày 13/6, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong lưu ý động thái trên của EU thiếu "cơ sở thực tế và pháp lý", đồng thời nói rằng Trung Quốc có quyền đệ đơn kiện lên WTO và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của các công ty Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đã bác bỏ lập luận của EU và Mỹ cho rằng công suất dư thừa trong ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà sản xuất ô tô nước ngoài thông qua trợ cấp xuất khẩu. Trung Quốc cho rằng thuế quan sẽ làm chậm tiến trình phổ biến xe điện, ảnh hưởng đến các mục tiêu về biến đổi khí hậu và làm tăng chi phí cho người tiêu dùng.

Phản ứng của Bắc Kinh đối với thuế quan “có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại (với châu Âu), điều này sẽ là tàn khốc đối với một khu vực vẫn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng do Trung Quốc thống trị để đạt được các mục tiêu khí hậu cao cả của mình”, Will Roberts, người đứng đầu nghiên cứu ô tô tại công ty tư vấn Rho Motion, nhận định với tờ Wall Street Journal hôm 14/6.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phảii) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký thỏa thuận an ninh bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Savelletri, Italy, ngày 13/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Những diễn biến mới trong xung đột Nga - Ukraine tuần qua

Trong tuần qua, diễn biến cuộc xung đột ở Ukraine nổi lên một số vấn đề chính sau: Thứ nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu điều kiện để ngừng bắn và hòa đàm với Ukraine, nhưng Kiev bác bỏ. Cụ thể, Tổng thống Putin ngày 14/6 cho biết Nga sẽ ngừng bắn và tham gia đàm phán hòa bình nếu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và rút lực lượng khỏi 4 khu vực của Ukraine mà Moskva mới sáp nhập.

Ông Putin cũng tuyên bố Nga sẵn sàng đảm bảo việc rút quân an toàn của các đơn vị Ukraine để điều này có thể xảy ra. Ngoài ra, người đứng đầu nước Nga cũng khẳng định Moskva không có ý định đóng băng, mà chấm dứt xung đột.

Tuy nhiên, Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày đã bác bỏ các điều kiện do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra để khởi đầu đàm phán hòa bình, bao gồm việc rút quân đội Ukraine khỏi bốn khu vực mà Nga đang kiểm soát một phần.

Thứ hai, liên quan đến hội nghị về hoà bình cho Ukraine tại Thuỵ Sĩ, Chính phủ Thụy Sĩ ngày 14/6 thông báo 100 phái đoàn đã xác nhận tham dự từ ngày 15-16/6 gần thành phố Lucerne. Theo tuyên bố, các phái đoàn bao gồm đại diện của 92 quốc gia và 8 tổ chức.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Argentina thông báo nước này đã trở thành thành viên Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, do Mỹ điều phối với 54 quốc gia với mục đích viện trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Trước đó hôm 13/6, Ukraine đã ký các thỏa thuận an ninh với Mỹ và Nhật Bản, đây là thỏa thuận mới nhất trong một loạt các thỏa thuận tương tự được thực hiện với các đồng minh phương Tây bao gồm Anh và Pháp. Các tài liệu này bao gồm những lời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine trong thời gian dài. Tổng thống Zelensky nhấn mạnh thỏa thuận 10 năm được ký với Mỹ là "cầu nối" để Kiev trở thành thành viên NATO.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 14/6 đã coi nhẹ thỏa thuận an ninh 10 năm giữa Mỹ-Ukraine, cho rằng đây "chỉ là mảnh giấy" không có giá trị pháp lý.

Trước những diễn biến mới trên, điều phối viên thường trực và nhân đạo Liên hợp quốc (LHQ) tại Ukraine Denise Brown ngày 14/6 kêu gọi không “bình thường hóa” các điều kiện thảm khốc hiện nay của người dân Ukraine trong bối cảnh xung đột đang leo thang.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Căng thẳng mới giữa Israel và Pháp
Căng thẳng mới giữa Israel và Pháp

Israel tuyên bố sẽ không tham gia sáng kiến ​​của Pháp về giảm leo thang biên giới với Liban.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN