Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp. Ảnh: AFP |
Phát biểu trước báo giới ngày 13/7, trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết: "Mục đích của cuộc gặp là bắt đầu các nỗ lực nhằm cải thiện tình hình tiêu cực hiện nay trong quan hệ Nga - Mỹ, tiến hành các bước đi cụ thể để bình thường hóa quan hệ, tái xây dựng lòng tin ở mức ít nhiều chấp nhận được, và tìm cách vạch ra các bước để tạo điều kiện nối lại hợp tác đôi bên cùng có lợi trong nhiều vấn đề có chung lợi ích".
Dự kiến, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ sẽ gặp nhau tại thủ đô Helsinki của Phần Lan ngày 16/7 tới. Cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ bắt đầu bằng một cuộc gặp riêng giữa ông Putin và ông Trump tại Dinh Tổng thống Phần Lan và sau đó sẽ là các cuộc đàm phán dưới dạng một bữa ăn trưa làm việc, với sự tham gia của các phái đoàn hai bên. Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo sẽ tham gia họp báo chung.
Ông Ushakov cho biết hiện hai bên không giới hạn thời gian cho cuộc gặp thượng đỉnh kín, và hai tổng thống sẽ là người quyết định có ra một tuyên bố chung sau các cuộc đàm phán hay sẽ chỉ tổng kết về nội dung cuộc gặp trong cuộc họp báo chung.
Phái đoàn của hai bên sẽ bao gồm Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Nga cũng các chuyên gia từ các cơ quan chính phủ hai nước.
Nói về chủ đề sẽ được các nhà lãnh đạo bàn thảo, ông Ushakov cho biết hiện vẫn chưa rõ các vấn đề chính xác nào sẽ được đặt lên bàn, song theo quan chức này, Moskva sẵn sàng "cân nhắc mọi vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và trên trường quốc tế".
Trợ lý Tổng thống Nga cho biết: "Quan hệ song phương đang rất tệ... Chúng ta cần bắt đầu một cái gì đó để thay đổi thực trạng này".
Ông Ushakov nhấn mạnh các lợi ích của Nga và Mỹ trùng khớp về nhiều mặt, như an ninh quốc tế, giải giáp, chống chủ nghĩa khủng bố, giải quyết các cuộc xung đột khu vực và cải thiện quan hệ song phương. Ông nói thêm rằng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế cũng có thể là một "mạng lưới an toàn" trong quan hệ giữa hai nước.
Theo ông Ushakov, tại cuộc gặp tới, Tổng thống Putin có thể sẽ đưa ra các đề xuất trong lĩnh vực kinh tế với Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, vấn đề ổn định chiến lược, bao gồm phòng thủ tên lửa và vũ khí tấn công chiến lược, cũng có thể trở thành một chủ đề chính. Ông cho biết thêm rằng các cuộc khủng hoảng trên thế giới cũng có thể được đưa ra bàn thảo, như khủng hoảng tại Syria, vấn đề Bán đảo Triều Tiên, thỏa thuận hạt nhân Iran và cuộc xung đột tại Ukraine...
Cuộc gặp thượng đỉnh chính thức Nga - Mỹ lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Trump là tiến bộ lớn nhất mà Moskva và Washington đã làm được trong năm vừa qua, dù quan hệ song phương đã xuống tới mức thấp nhất do nhiều tranh cãi liên tiếp. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo không nên lạc quan thái quá về kết quả tại cuộc gặp tới hay hy vọng cải thiện quan hệ Nga - Mỹ trong thời gian ngắn vì "sự đối đầu có hệ thống" đã bắt rễ sâu giữa hai bên khó có thể giải quyết trong "một sớm một chiều".
Bằng chứng mới nhất cho điều này là vài ngày trước cuộc gặp đã được lên kế hoạch nói trên, Mỹ đã chính thức buộc tội 12 công dân Nga tấn công mạng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein đã công bố kết quả điều tra truy tố 12 sĩ quan tình báo Nga về vai trò của họ trong việc xâm nhập hệ thống máy tính của Ủy ban Toàn quốc của đảng Dân chủ và ban vận động tranh cử của ứng cử viên Hillary Clinton để đánh cắp tài liệu nhằm gây ảnh hưởng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tất cả 12 bị cáo này đều là thành viên Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU).
Dư luận cho rằng động thái này sẽ phủ bóng lên cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki. Tổng thống Nga Putin lâu nay vẫn phủ nhận sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.