Theo đài RT, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lập luận rằng hiện không có điều kiện nào cho một giải pháp hòa bình ở Ukraine, nghĩa là Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến đấu.
“Ưu tiên tuyệt đối đối với chúng tôi vẫn và sẽ là luôn đạt được các mục tiêu mà chúng tôi đã đặt ra cho chính mình. Tại thời điểm này, những mục tiêu đó chỉ có thể đạt được thông qua các biện pháp quân sự”, ông Peskov nói với các phóng viên trong ngày 13/3.
Phát biểu của người phát ngôn Peskov được cho là phản ứng trước một bài viết của nhà ngoại giao Đức kỳ cựu Wolfgang Ischinger, người từng là Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich trong hơn một thập kỷ.
Trong một bài báo được xuất bản bởi Der Tagesspiegel vào ngày 12/3, ông Ischinger kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây “hãy bắt đầu nghĩ về một tiến trình hòa bình ngay bây giờ” và thành lập một nhóm liên lạc chính trị đặc biệt cho cuộc xung đột Ukraine.
Ông Ischinger, 76 tuổi, là một nhân vật nổi tiếng ở Berlin và từng là đại sứ tại Mỹ, Anh, cũng như nắm giữ nhiều chức vụ danh giá khác.
Ông nhấn mạnh rằng “đã đến lúc chúng ta khởi động một tiến trình hòa bình cho Ukraine", đồng thời thừa nhận rằng những tiếng nói chỉ trích ở phương Tây đã nêu ra những vấn đề không “hoàn toàn phi lý”. Những tiếng nói bao gồm các câu hỏi về việc các chính phủ có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine trong bao lâu nữa.
Ông Ischinger lập luận: “Ngoài việc cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính, chúng ta phải đưa ra quan điểm trước các câu hỏi ngày càng nhiều của các nhà chỉ trích".
Với suy nghĩ này, nhà ngoại giao kỳ cựu người Đức đã kêu gọi thành lập “ngay lập tức” một nhóm liên lạc đặc biệt sẽ hoạt động cùng với Nhóm Ramstein hiện đang giúp điều phối viện trợ quốc phòng cho Ukraine.
Theo đề xuất của nhà ngoại giao Ischinger, nhóm liên lạc chính trị đó sẽ do Mỹ, Anh, Đức và Pháp dẫn đầu, cùng với các quốc gia và tổ chức quốc tế khác, bao gồm cả NATO, tạo thành một "vòng tròn bên ngoài" gồm những bên liên quan để tạo tính hợp pháp cho bất kỳ tài liệu dự thảo nào.
Nhiệm vụ của nhóm sẽ là chuẩn bị một thỏa thuận ngừng bắn và các thủ tục giấy tờ khác để tạo thành xương sống cho giai đoạn hậu xung đột. Ông Ischinger nhấn mạnh rằng sáng kiến mới sẽ không gây áp lực đàm phán lên Ukraine.
Theo ông, nhóm liên lạc gồm các cường quốc thế giới như vậy nên được giao nhiệm vụ đưa ra nhiều kịch bản và lựa chọn dàn xếp, cũng như chuẩn bị các dự thảo thỏa thuận để nếu và khi Kiev và Moskva quyết định ngồi vào bàn đàm phán, thì đã có sẵn một số cơ sở cho một tiến trình hòa bình.
Nhà ngoại giao kỳ cựu người Đức gợi ý một danh sách các câu hỏi mà nhóm sẽ đặt ra, bao gồm: “Liệu một thỏa thuận ngừng bắn có được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tán thành?”, “Liệu có cần một vùng đệm phi quân sự?”, và “Người dân ở Crimea có nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định họ thuộc về ai?”.
Ngoài bốn cường quốc phương Tây được đề cập, nhóm liên lạc do chính trị gia người Đức đề xuất thành lập cũng sẽ có sự tham gia của các quốc gia như Canada, Tây Ban Nha, Ba Lan, Italy, các quốc gia vùng Baltic, cũng như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) và NATO. Ông Ischinger cho biết thêm, để nhóm mang tính đại diện hơn, lời mời cũng nên được mở rộng tới các quốc gia như Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc.
Kiev đã tuyên bố việc trao trả đầy đủ các lãnh thổ mà họ tuyên bố là của Ukraine như một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán hòa bình. Hội đồng an ninh quốc gia của nước này cũng đã cấm đàm phán với Nga chừng nào Tổng thống Vladimir Putin còn tại vị.
Trong khi đó, Moskva lập luận rằng chính phủ Ukraine đã khiến các cuộc đàm phán hòa bình không thể thực hiện được và Kiev đã áp dụng lập trường của mình dựa trên mệnh lệnh từ Mỹ, nhằm đưa đến một thất bại chiến lược đối với Nga.
Các quan chức ở Moskva cũng nhiều lần nói rõ rằng họ sẵn sàng đàm phán với Kiev về nguyên tắc, với điều kiện Ukraine chấp nhận các điều kiện của Nga và công nhận điều mà Điện Kremlin gọi là “thực tế tại chỗ”.