Hãng thông tấn TASS dẫn lời Cố vấn Yury Ushakov của Tổng thống Putin nói rằng nhà lãnh đạo Nga đã nhận lời mời của Indonesia, Chủ tịch luân phiên của G20 hiện nay, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới.
Tuy nhiên, ông Yury Ushakov cho biết thêm các chi tiết vẫn đang được bàn thảo và hiện chưa rõ Tổng thống Putin sẽ tham dự sự kiện này trực tiếp hay qua đường truyền video.
Phát biểu với báo giới, cố vấn Ushakov nêu rõ: “Tôi không rõ. Tới thời điểm này, G20 mời Tổng thống Putin tham dự trực tiếp, song còn rất nhiều thời gian (từ này tới lúc hội nghị). Tôi hy vọng tình hình đại dịch COVID-19 sẽ cho phép tiến hành trực tiếp hội nghị quan trọng này”.
Ngày 27/6, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 tại Elmau (Đức), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố bà phản đối việc tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của G20 trong trường hợp Tổng thống Nga Putin tham dự. Theo bà, G20 là một diễn đàn quá quan trọng, đặc biệt là với các nền kinh tế và thị trường mới nổi.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng phản ứng của phương Tây đối với khả năng nhà lãnh đạo Nga tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali không nên làm suy yếu hiệu quả của diễn đàn. Khi được hỏi liệu ông có tham dự hội nghị nếu Tổng thống Putin có tham gia, Thủ tướng Đức Scholz lưu ý rằng "một quyết định sẽ được đưa ra ngay trước khi tôi rời đi và nó có thể thay đổi đáng kể".
Hồi tháng 4, với tư cách là nước Chủ tịch Nhóm G20, Indonesia đã chính thức mời lãnh đạo Ukraine tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tại quốc gia Đông Nam Á này.
Theo hãng tin AFP của Pháp, ngày 29/4, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo ông đã mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự sự kiện. Nga là thành viên G20, trong khi Ukraine không thuộc nhóm này. Tuy nhiên, đã có tiền lệ nước Chủ tịch G20 mời các nước khác tham dự với tư cách khách mời.
Thông báo trên tài khoản Twitter, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã nhận được lời mời sau cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Indonesia. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Widodo đã từ chối đề nghị của Ukraine về việc cung cấp vũ khí, khẳng định chính sách đối ngoại của quốc gia Đông Nam Á này là trung lập chiến lược. Ông khẳng định Indoneisa sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo người dân Ukraine và bày tỏ hy vọng xung đột sớm chấm dứt và hai bên nối lại đối thoại để thúc đẩy giải pháp hòa bình.
Trước đó, một quan chức Mỹ cho biết Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã không tham dự một số cuộc họp của Nhóm G20 hồi tháng 4 tại thủ đô Washington do có sự tham dự của đoàn Nga. Nguồn tin trên nhấn mạnh rằng cả Bộ trưởng Tài chính Yellen và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều đã nói rõ rằng Nga không thể hoạt động bình thường trong nền kinh tế toàn cầu và điều này bao gồm các tổ chức tài chính quốc tế cũng như những hoạt động nhóm họp của G20. Tổng thống Biden lên tiếng ủng hộ việc loại Nga khỏi G20.
Một nguồn tin của Chính phủ Anh ngày 19/4 cho biết Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cũng không tham dự một số cuộc họp của Nhóm G20 để phản đối Nga.
Dự kiến, Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra trên đảo Bali của Indonesia từ ngày 15-16/11 năm nay.