Cụ thể, diện tích rừng mất đi trong tháng 7 vừa qua là 666km2, tăng 33% so với 500km2 bị tàn phá trong tháng 7/2023.
Phát biểu họp báo về thực trạng trên, Thư ký điều hành Bộ Môi trường Brazil João Paulo Capobianco nêu rõ một trong những yếu tố khiến diện tích rừng bị phá tăng trong tháng 7 năm nay là do cuộc đình công của các viên chức tại cơ quan môi trường IBAMA. Ngoài ra, trên thực tế, tỷ lệ giảm phá rừng trong tháng 7 năm ngoái rất cao.
Theo ông Capobianco, trong 12 tháng qua kể từ tháng 8/2023 - 7/2024, diện tích rừng bị tàn phá là 4.315km2, giảm 45,7% so với mức 7.952 km2 ghi nhận trong 12 tháng trước đó. Tình trạng phá rừng liên quan chặt chẽ đến việc mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp và khai thác trái phép.
Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, chiếm 40% diện tích rừng của khu vực Nam Mỹ. Trong thế kỷ qua, nạn phá rừng do sự phát triển của hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, khai thác gỗ, khai mỏ và đô thị hóa đã khiến “lá phổi xanh” của Trái Đất này mất đi khoảng 20% diện tích.
Tổng thống Brazil đương nhiệm Luiz Inacio Lula da Silva đã cam kết xóa sổ vấn nạn phá rừng Amazon tại nước này vào năm 2030.
Các khu rừng nhiệt đới hấp thụ lượng lớn carbon và có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những khu rừng này đã và đang trở thành nạn nhân của các vụ phá rừng.