Ai có thể nghe điện đàm?
Tổng thống Trump có thể ở trong Phòng Bầu dục khi điện đàm với tổng thống hoặc thủ tướng nước nào đó. Thỉnh thoảng, ông nói chuyện điện thoại trên Không lực Một. Cũng có khi ông ở trong Phòng Hiệp ước rồi nhấc điện thoại gọi cho ai đó. Hoặc Tổng thống có thể gọi điện từ phòng riêng.
Dù nói chuyện điện thoại ở đâu thì lúc nào cũng có người lắng nghe các cuộc nói chuyện đó.
Từ khi phe Dân chủ cho biết có một người trong cộng đồng tình báo đã nộp báo cáo khẩn về cuộc điện thoại của ông Trump với một lãnh đạo nước ngoài, có nhiều đồn đoán xung quanh việc làm thế nào lại có người biết hai lãnh đạo đã nói gì với nhau qua điện thoại.
Theo tờ New York Times, cố vấn an ninh quốc gia thường ở trong phòng cùng Tổng thống hoặc nghe ông nói chuyện từ văn phòng ở Cánh Tây. Thông thường, cố vấn an ninh sẽ nghe cuộc điện đàm cùng với giám đốc cấp cao phụ trách khu vực của nguyên thủ quốc gia đó hoặc quan chức tình báo làm việc từ Phòng Tình huống của Nhà Trắng. Người này kết nối với cuộc gọi và giúp ghi chép nội dung cuộc gọi ngay sau khi kết thúc.
Theo một cựu quan chức trong chính quyền, ngoại trưởng có thể nghe cuộc điện đàm nếu Tổng thống đề nghị. Phó Tổng thống Mike Pence cũng thường nghe ông Trump gọi điện cho lãnh đạo nước ngoài theo đề xuất của ông Trump.
Hành vi của Tổng thống Trump trong các cuộc gọi với lãnh đạo nước ngoài có thể phá vỡ quy tắc của tổng thống. Ông thường không coi trọng các lưu ý và trình tự được đề xuất mà thường thích nói chuyện tự do.
Tuy nhiên, quy trình tỉ mỉ của Hội đồng An ninh Quốc gia trong lên kế hoạch, chuẩn bị và ghi chép các cuộc điện đàm không thay đổi mấy thời Tổng thống Trump. Khác biệt duy nhất là có các bước cực đoan để giới hạn ai có thể nghe hoặc đọc nội dung các cuộc gọi của Tổng thống và lãnh đạo nước ngoài vì sợ rò rỉ.
Báo cáo của nhân vật trong cộng đồng tình báo liên quan tới cuộc gọi điện ngày 25/7 giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine, trong đó Tổng thống Trump bị cho là gây áp lực với Tổng thống Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter. Ngày 25/9, Tổng thống Trump đã công bố nội dung tóm tắt cuộc điện đàm để nỗ lực dập tắt tranh cãi sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo mở điều tra để luận tội tổng thống.
Hiện không ai rõ nhân vật trong cộng đồng tình báo biết những gì về cuộc điện đàm và làm sao người đó biết được.
Quy trình thay đổi
Bản ghi chép các cuộc gọi điện thường dựa trên những gì mà các quan chức nghe chứ không dựa vào bản ghi âm. Do đó, bản ghi chép có thể khác nhau về mức độ chi tiết. Bản ghi chép này là các tài liệu được chia sẻ rộng rãi mà Chánh văn phòng Nhà Trắng, quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia và những người làm việc trong khu vực đó tại Bộ Ngoại giao hoặc Bộ Quốc phòng được xem.
Điều đó đã thay đổi sau khi cuộc nói chuyện của Tổng thống Trump với Tổng thống Mexico và Thủ tướng Australia bị rò rỉ năm 2017.
Sau vụ rò rỉ, Chính quyền Mỹ đã thực hiện các biện pháp cực đoan để hạn chế những người có thể nghe các cuộc điện của tổng thống. Vụ rò rỉ đã khiến Tổng thống Trump sợ rằng có “chính quyền ngầm” cài cắm trong chính phủ của ông để tìm cách làm giảm uy tín của ông từ bên trong.
Vụ rò rỉ này được coi là nội bộ và thực sự gây sốc. Theo lệnh của ông Michael Flynn, Cố vấn An ninh Quốc gia đầu tiên của Tổng thống Trump, việc cung cấp nội dung điện đàm của tổng thống sau đó đã bị hạn chế chặt chẽ. Nhà Trắng chỉ phát bản ghi chép tuyệt mật cho Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng. Cả hai quan chức đều bị cấm sao chép hoặc chia sẻ trong khi đọc và phải trả lại sau đó.
Tuy nhiên, quy trình sắp xếp một cuộc điện đàm không thay đổi thời Tổng thống Trump.
Nếu lãnh đạo nước ngoài đề nghị điện đàm với Tổng thống Mỹ, Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ đánh giá xem cuộc gọi có cần thiết phải làm Tổng thống mất thời gian không và kiểm tra xem lần cuối Tổng thống nói chuyện qua điện thoại với lãnh đạo đó là khi nào. Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách quốc gia đó sẽ viết một bản ghi nhớ đề nghị cố vấn an ninh quốc gia thông qua và bản ghi nhớ này sẽ được đặt lên bàn Tổng thống. Bản ghi nhớ được soạn trên hệ thống internet bảo mật mà các thành viên khác trong hội đồng có thể xem.
Tổng thống Trump có thể tự mình gọi trực tiếp cho lãnh đạo nước ngoài mà không theo quy trình chính thức của Hội đồng An ninh Quốc gia.
Tổng thống Trump thường không đọc biên bản ghi nhớ mà trong đó thường có các thông tin cơ bản như hai người nói chuyện lần cuối bao giờ, tình trạng mối quan hệ, mục đích cuộc gọi, Mỹ đã đề nghị gì lãnh đạo đó và nhận được gì… Khi được nghe cố vấn an ninh quốc gia trình bày chi tiết trước các cuộc gọi, Tổng thống Trump cũng thường phẩy tay ra hiệu “nói nhanh lên”.
Ngay cả khi các lưu ý được trình bày dưới dạng từng gạch đầu dòng, ông Trump cũng không đi theo thứ tự đó. Trong cuộc gọi tháng 3/2018 với Tổng thống Nga Vladimir, ông Trump đã chúc mừng ông Putin tái đắc cử cho dù các phụ tá “dặn” ông trong sổ tay bằng chữ in hoa là: “KHÔNG CHÚC MỪNG”.
Ông Trump và một số cố vấn thời đầu đã phản đối hệ thống cứng nhắc này. Họ muốn bỏ bước ghi chép nội dung mà chỉ muốn tóm tắt cuộc gọi. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không bao giờ thành công trong bắt Hội đồng An ninh Quốc gia bỏ quy trình đó.
Hội đồng thường hướng dẫn ông Trump nói ngắn gọn nhưng thỉnh thoảng ông vẫn nói chuyện hơn 30 phút liền.
Trong những ngày đầu làm tổng thống, mỗi khi gọi điện cho lãnh đạo nước ngoài là ông Trump sẽ có rất nhiều người đứng xung quanh cùng lắng nghe. Điển hình là khi gọi cho ông Putin, xung quanh Tổng thống Trump có tới 5 người. Nhưng những ngày này đã qua và giờ ông Trump thích sự riêng tư.