Tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ đang gia tăng nhanh chóng và có ảnh hưởng mạnh mẽ với nền chính trị Ấn Độ. Nhưng khác hẳn với Mỹ và phương Tây, nơi tầng lớp trung lưu chia sẻ nhiều lợi ích chung, tầng lớp trung lưu Ấn Độ có lợi ích khác biệt và bị phân chia sâu sắc.Thiểu số nhưng có vai trò quyết định
Cuộc bầu cử của Ấn Độ đang tới gần và tầng lớp trung lưu Ấn Độ đang là trung tâm của sự chú ý. Các nhà phân tích coi đây là lực lượng có vai trò quyết định trong việc chọn ra 543 ghế Quốc hội Ấn Độ, bắt đầu vào ngày mai, 7/4.
Tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ có thu nhập khá giả nhưng họ không cùng chia sẻ quan điểm chính trị. |
Vai trò của tầng lớp trung lưu trong bầu cử không ngừng gia tăng, theo như Ngân hàng Phát triển châu Á, tầng lớp trung lưu Ấn Độ đã tăng lên con số 205 triệu người trong khoảng thời gian từ 1991 đến 2008. Và tầm ảnh hưởng của lực lượng này còn lớn hơn nhiều so với số lượng của họ trong xã hội. Nhà xã hội học Satish Deshpande cho biết tầng lớp trung lưu Ấn Độ chỉ là thiểu số trong xã hội nhưng tiếng nói của họ đại diện cho toàn bộ xã hội Ấn Độ.
Tầng lớp trung lưu đã đặt ra yêu cầu về các đề tài tranh luận trong tranh cử, hướng sự chú ý vào các vấn đề liên quan tới cải thiện cơ sở hạ tầng như đường xá, nước sạch và điện. Trong khi đó, phần lớn dân số Ấn Độ vẫn sống dưới mức nghèo đói nhưng việc xóa nạn đói và cuộc chiến chống nghèo đói không còn là một phần của tranh luận tranh cử giống như những gì diễn ra trong thập niên 1970.
Phân chia sâu sắcNhận thức về tầng lớp trung lưu được đề cao trong những năm kinh tế tăng trưởng mạnh, theo sau quá trình cải cách tự do hóa kinh tế khởi xướng năm 1991. Lúc đó, các ngân hàng và công ty tư vấn như Goldman Sachs và McKinsey liên tục khẳng định rằng Ấn Độ sẽ nhanh chóng bắt kịp tiến trình phát triển kinh tế ở châu Âu. Hầu hết những người thuộc tầng lớp trung lưu Ấn Độ có mức sống khá giả nhưng điều đó không có nghĩa tất cả họ đều chia sẻ quan điểm chung về chính trị.
“Tầng lớp trung lưu rất đa dạng, cũng giống như bản thân đất nước Ấn Độ”, nhà xã hội học André Béteille cho biết. “Nhưng tầng lớp này không có ý định đứng ở vị trí giữa trong tháp phân tầng xã hội. Tầng lớp này muốn hòa nhập với giới thượng lưu bởi họ mong muốn được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi hơn”.
Vấn đề phân chia đẳng cấp là nguyên nhân chính gây ra chia rẽ trong xã hội và đang tồn tại bên trong tầng lớp trung lưu. Tiến sỹ Ambedkar, người tham gia xây dựng Hiến pháp Ấn Độ, nhận xét rằng sự bất bình đẳng giai cấp được chia thành “các lớp”, có nghĩa mỗi lớp nhận thức được mình thấp kém hơn lớp bên trên nhưng từ chối hòa nhập với lớp thấp hơn vì sợ sẽ mất đi vị trí bản thân trong xã hội.
Leela Fernandes, giáo sư về xã hội học tại Đại học Michigan (Mỹ) miêu tả “tầng lớp trung lưu mới” tại Ấn Độ giống như chiếc bánh kem nhiều tầng, trong đó lớp sinh ra sau quá trình cải cách tự do hóa kinh tế đầu thập niên 1990 chồng tiếp lên thế hệ trước đó mà không có sự thay thế hoặc pha trộn.
Vẫn phụ thuộc nhiều vào nhà nướcẤn Độ giành độc lập vào giữa thế kỷ 20, khi đó chính phủ đóng vai trò trung tâm nền kinh tế, tầng lớp trung lưu chủ yếu là những người lao động trong các công ty nhà nước. Với tiến trình tự do hóa kinh tế, những người thuộc tầng lớp trung lưu, gồm những người có học, biết nói tiếng Anh và hầu hết là từ tầng lớp cao hơn trong xã hội, nhanh chóng chuyển sang làm việc cho lĩnh vực tư nhân, nơi họ được trả cao hơn, đặc biệt là làm trong lĩnh vực công nghệ. Bởi vậy, có nhiều hơn những người từ tầng lớp thấp hơn thay thế vị trí của họ trong nhà nước.
Theo như giáo sư Eswaran Sridharan của Đại học Pennsylvania (Mỹ), có khoảng 58% đến 75% người thuộc tầng lớp trung lưu phụ thuộc vào nhà nước, hoặc là về trợ cấp hoặc là về việc làm. Đây là một điều nghịch lý trong tầng lớp trung lưu của Ấn Độ, Eswaran nhấn mạnh: “Cả tầng lớp trung lưu đang hưởng lợi từ tự do kinh tế. Họ được tiếp cận hàng loạt các dịch vụ và sản phẩm chưa từng có trước đây. Nhưng điều đó không có nghĩa tầng lớp này đồng tình với tất cả các giải pháp nâng cao tính tự do cho nền kinh tế, ví dụ như tư nhân hóa hoặc giảm tiêu dùng công”.
Lợi ích của tầng lớp trung lưu Ấn Độ rất đa dạng và rất khó để dự đoán đảng chính trị nào sẽ giành đa số phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới. Mặc dù đang có những chỉ trích nhắm thẳng vào đảng Quốc đại Ấn Độ, đảng này lên nắm quyền năm 2009, nhưng sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu cho đảng Narendra Modi (BJP), ủng hộ cải cách tự do kinh tế, vẫn chưa có gì chắc chắn. Trong hai cuộc bầu cử gần đây, BJP luôn là đối thủ chính của đảng cầm quyền Quốc đại nhưng cả hai lần đều thất bại vào phút cuối.
Đức Trung (Theo World Crunch)