Đình công bắt đầu từ ngày 7/3 đã dẫn đến tình trạng mất điện ở một số nơi, gây gián đoạn nguồn cung năng lượng và giảm sản lượng điện tại một số nhà máy.
Cụ thể, đình công đã dẫn đến tình trạng mất điện tại sân vận động Stade de France và một số công trình đang thi công cho Làng Olympic 2024 ở phía Bắc vùng ngoại ô Saint-Denis, gần thủ đô Paris. Nhiều nhân viên ngành điện, thuộc nghiệp đoàn IEG, đã tham gia đình công và ngừng các hoạt động phân phối điện. Họ cho biết mất điện cũng xảy ra tại 3 trung tâm dữ liệu tại Saint-Denis và các trung tâm thương mại quanh sân Stade de France.
Đình công cũng ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng và sản lượng điện của Pháp. Theo dữ liệu của EDF, cơ quan quản lý năng lượng nước này, lượng điện sản xuất ngày 9/3 từ một số nhà máy điện hạt nhân, nhiệt điện và thủy điện của nước này đã giảm 8,2 gigawatt (GW) - tương đương 13% tổng sản lượng cả nước. Dữ liệu từ nhà điều hành lưới điện RTE cho thấy Pháp hiện không nhập khẩu điện, do đó nguồn cung điện hầu hết là từ các cơ sở trong nước.
Trong khi đó, tập đoàn dầu khí đa quốc gia TotalEnergies cho biết các nhà máy lọc dầu của Pháp không thể đảm bảo vận chuyển nhiên liệu do ảnh hưởng của đình công. Tương tự, nhà máy Fos-sur-Mer của ExxonMobil ở miền Nam nước Pháp cũng không thể giao hàng như dự kiến, dù hoạt động đã trở lại bình thường tại cơ sở lọc dầu ở Port Jerome.
Lãnh đạo nghiệp đoàn UFIP Olivier Gantois cho biết, khoảng 7% các trạm xăng, dầu của Pháp thiếu ít nhất một sản phẩm nhiên liệu kể từ ngày 8/3, nhưng "không gặp vấn đề gây tê liệt nguồn cung và tình hình đang dần được cải thiện".
Năm ngoái, cuộc đình công trong ngành năng lượng Pháp đã có lúc khiến nhiều trạm xăng không có xăng bán cho người dân và chỉ 30% số trạm xăng được cung ứng xăng dầu.
Chính phủ Pháp đã phải đối mặt với làn sóng đình công trên cả nước kể từ khi trình bày kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu vào ngày 10/1 vừa qua, trong đó dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm lên 64 tuổi, cũng như kéo dài thời gian nộp các khoản đóng góp cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ. Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân Pháp phản đối kế hoạch mà Tổng thống Emmanuel Macron thúc đẩy, song chính phủ khẳng định việc thông qua sửa đổi luật góp phần quan trọng trong mục tiêu duy trì ổn định hệ thống hưu trí nước này.