Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế suất mới tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bất chấp sự phản đối của đông đảo các doanh nghiệp và các nghị sĩ, ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Một số tổ chức thương mại trong nước đã lên tiếng phản đối cho rằng mức thuế mới sẽ đẩy chi phí sản xuất của các doanh nghiệp lên cao và có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại trên diện rộng.
Hiệp hội khách hàng công nghệ đại diện cho 2.200 công ty cho rằng số người mất việc làm vì chính sách này có lẽ sẽ còn cao hơn cả số người tìm thêm được cơ hội tuyển dụng như lời Tổng thống Trump khẳng định.
Các doanh nghiệp chế tạo ô tô sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi đây là lĩnh vực tiêu thụ tới % nhôm và 15% thép trên toàn quốc. Liên minh các nhà sản xuất ô tô Mỹ cảnh báo những mức thuế mới sẽ khiến giá thép sản xuất trong nước tăng cao, đẩy giá thành các loại phương tiện lên cao, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng. Ngành sản xuất bia cũng được cho là phải lãnh một phần hậu quả.
Đại diện cho những nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới ước tính thuế nhập khẩu nhôm tăng 10% sẽ khiến hầu hết các công ty bia tăng giá thành với tổng mức tăng khoảng 348 triệu USD hàng năm và đe dọa khoản 20.000 việc làm trong ngành sản xuất này. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội các lãnh đạo ngành bán lẻ Hun Quach cho rằng ảnh hưởng của chính sách thuế mới có thể vươn tới cả những ngành mà nhiều người không ngờ tới như nội thất và đèn trang trí.
Hiệp hội bán lẻ quốc gia (NRF) đại diện nhiều chuỗi cửa hàng, rau củ và nhiều nhà bán lẻ trên toàn thế giới cho rằng đây là mức thuế giáng vào toàn thể người dân Mỹ, khi người tiêu dùng chưa kịp hân hoan vì những biện pháp cải cách thuế mới thì lập tức đã phải đối mặt với nguy cơ giá cả sản phẩm leo thang vì chi phí sản xuất tăng.
Các hiệp hội thương mại nhà ở cũng không khỏi băn khoăn khi cho rằng các mức thuế nhập khẩu này sẽ đẩy chi phí lên cao, kìm hãm sự phát triển trong thời điểm quốc gia này đối mặt mới cuộc khủng hoảng thiếu nhà ở trầm trọng.
Trong diễn biến liên quan đến mức thuế mới của Mỹ đánh vào các sản phẩm thép và nhôm, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã lập tức phản đối sắc lệnh của Mỹ. 4 hiệp hội công nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn tại Đức gồm DIHK, BDA, BDI và ZDH đã cùng lên tiếng chỉ trích chính sách của Mỹ mang màu sắc bảo hộ và kêu gọi chính phủ nước này cũng như Liên minh châu Âu (EU) duy trì cam kết tôn trọng tự do thương mại.
Trước đó, tối 8/3, Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu ÂU (EU), Cecilia Malmstroem cho rằng EU là một đồng minh thân cận của Mỹ và khối này muốn được miễn trừ khỏi các biện pháp đánh thuế mới với các mặt hàng thép và nhôm. EU cũng kêu gọi Mỹ phải làm rõ vấn đề này trong những ngày tới, đồng thời khẳng định lựa chọn trước tiên của khối này là đối thoại với phía Mỹ đề có đặc quyền miễn trừ khỏi các biện pháp mới.
Khi công bố áp thuế mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Canada và Mexico sẽ được loại ra khỏi danh sách bị áp thuế, các nước khác thì có thể đàm phán để giảm mức thuế. Phía EU đã đưa ra một danh sách những sản phẩm then chốt của Mỹ sẽ là đối tượng trả đũa nếu các biện pháp đánh thuế của Mỹ được thực thi.
Mỗi năm, EU xuất khẩu khoảng 5 tỉ euro thép và 1 tỉ euro nhôm sang thị trường Mỹ và Ủy ban châu Âu đánh giá rằng các mức thuế mới có thể làm EU thiệt hại khoảng 2,8 tỉ euro.