Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ trong tháng Bảy của Mỹ đã tăng 0,7% so với tháng trước đó và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không tính các mặt hàng ô tô, xăng, vật liệu xây dựng và thực phẩm, doanh số bán lẻ cốt lõi tăng 1% trong tháng trước, sau khi ghi nhận mức tăng 0,7% trong tháng 6/2019.
Doanh số bán lẻ khả quan nói trên càng được củng cố bởi kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý II/2019 của Walmart Inc. Nhà bán lẻ lớn nhất thế giới này đã ghi nhận chuỗi 20 quý (hoặc 5 năm) tăng trưởng liên tiếp tại thị trường Mỹ. Walmart đã dự báo lợi nhuận của hãng cho cả năm nay.
Chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ đang góp phần xoa dịu tác động đối với nền kinh tế từ sự suy giảm trong hoạt động sản xuất do đầu tư doanh nghiệp yếu. Báo cáo ngày 15/8 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy sản lượng của các nhà máy đã giảm 0,4% trong tháng Bảy và giảm hơn 1,5% kể từ tháng 12/2018. Hoạt động sản xuất, vốn chiếm khoảng 12% nền kinh tế Mỹ, còn bị kìm hãm bởi tình trạng dư thừa hàng hóa, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô.
Số liệu khả quan về doanh số bán lẻ được công bố chỉ một ngày sau khi đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đảo chiều lần đầu tiên kể từ tháng 6/2007 và gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán. Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đảo chiều thường là một chỉ dấu bán hiệu một đợt suy thoái đang đến gần.
Tuy nhiên, số liệu trên có thể sẽ không làm thay đổi những đồn đoán rằng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng tới, khi lĩnh vực sản xuất vẫn “ảm đạm”, điều này cho thấy triển vọng không mấy sáng của nền kinh tế trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng và tăng trưởng ở nước ngoài chậm lại.