Cụ thể, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã giảm từ 3,1% của quý I/2019 xuống 2,1% trong quý II/2019. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn cao hơn so với mức dự đoán 1,8% của các nhà phân tích nhờ chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh vào các mặt hàng như ô tô, thực phẩm và quần áo.
Chi tiêu của chính phủ liên bang cũng có bước nhảy vọt lớn nhất trong một thập kỷ qua, với chi tiêu vào các mặt hàng phi quốc phòng, tăng với tốc độ mạnh nhất trong 21 năm qua, khi chính phủ nối lại việc trả lương cho nhân viên sau khi Chính phủ Mỹ tạm đóng cửa trong 5 tuần hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, mức gia tăng trong chi tiêu này chưa đủ để bù đắp cho mức giảm 10% trong hoạt động đầu tư tại nhà máy hay tòa nhà thương mại cũng như thu nhập giảm sút liên quan tới phần mềm và các tài sản trí tuệ khác.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhu cầu đối với hàng xuất khẩu Mỹ của các nước khác giảm mạnh, đồng nghĩa với việc các nhà máy ở Mỹ bán được ít ô tô, linh kiện và thiết bị hơn. Ngành chế tạo cũng sản xuất ít hơn các hàng hóa sử dụng không lâu dài trong khi hoạt động bán lẻ và bán buôn trở nên trầm lắng. Nguồn thu từ du lịch, chủ yếu là các du khách và sinh viên nước ngoài, giảm sút cũng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý II/2019 giảm sút.
Trong báo cáo, giới chức Mỹ cũng đã giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong cả năm 2018 xuống 2,5%, giảm đáng kể so với tuyên bố trước đó của Tổng thống Donald Trump là đạt mức tăng 3%.
Dữ liệu mới cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này thực sự chậm lại trong năm 2018 sau khi Tổng thống Trump thúc đẩy kế hoạch cải cách thuế sâu rộng. Dữ liệu cập nhật cũng cho thấy động lực tăng trưởng đã giảm sút vào những tháng cuối năm 2018 khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành tăng lãi suất bất chấp áp lực gia tăng từ Tổng thống Trump.
Dự báo, FED có thể hạ lãi suất cho vay cơ bản trong cuộc họp chính sách vào tuần tới, trái ngược với quyết định tăng lãi suất vào tháng 12/2018.