"Chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia liên quan sẽ nỗ lực xây dựng để giảm bớt căng thẳng thông qua đối thoại và tham vấn, chứ không phải ngược lại", nữ phát ngôn viên phát biểu tại cuộc họp thường kỳ hôm 5/9. Bà Mao Ning đồng thời khẳng định dầu mỏ là một trong những hàng hóa quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.
Nữ phát ngôn viên đã không trực tiếp trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có đang cân nhắc tham gia vào sáng kiến của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hay không.
Trước đó, ngày 2/9, các bộ trưởng tài chính G7 đã xác nhận về kế hoạch áp đặt mức giới hạn đối với giá dầu của Nga và kêu gọi tất cả các nước tham gia sáng kiến này. Cao ủy kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni cho biết mục tiêu của Ủy ban châu Âu (EC) là triển khai biện pháp kiểm soát giá trên phù hợp với thời hạn đã thống nhất trong gói trừng phạt thứ sáu của EU. Đó là ngày 5/12/2022 đối với dầu thô và ngày 5/2/2023 đối với dầu mỏ. Tuy nhiên, tuyên bố không tiết lộ mức giá cụ thể là bao nhiêu.
Phản ứng về vấn đề trên, ngày 1/9, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã lên án ý tưởng áp đặt trần giá đối với dầu của Nga là vô lý, đồng thời cảnh báo rằng Moskva sẽ không bán dầu và sản phẩm hóa dầu cho các quốc gia ủng hộ quyết định này.
Theo ông Dmitry Birichevsky, người đứng đầu bộ phận hợp tác kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga, việc các quốc gia không thân thiện giới hạn giá dầu của Nga sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng.