Theo tờ Le Figaro của Pháp, các nhà sản xuất ở Ba Lan, Romania và Bulgaria đã hứng chịu những tổn thất nặng nề do nguồn nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine tăng đột biến. Họ phải chật vật để bán các sản phẩm nông nghiệp của mình.
Nông dân ở các quốc gia từng đồng ý hỗ trợ khai thông xuất khẩu ngũ cốc Ukraine ra thị trường toàn cầu cho biết giờ đây phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Tháng 5 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã đình chỉ thuế hải quan đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Ukraine trong 1 năm để hỗ trợ nền kinh tế của quốc gia đang trong xung đột. Tuy nhiên, ngũ cốc và các sản phẩm khác rời Ukraine đã tới EU thay vì được đưa ra bên ngoài khối, gây áp lực cạnh tranh đối với sản xuất trong nước.
Theo báo cáo, ngũ cốc Ukraine có ưu thế giá rẻ hơn so với ngũ cốc sản xuất ở EU, do nước này trước đó mắc kẹt lượng lớn ngũ cốc khi các cảng ở Biển Đen bị phong tỏa. Do vậy đã ảnh hưởng tới giá cả và doanh thu của các nông dân châu Âu, trong đó có Ba Lan.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói nông sản của Ukraine - một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới - đã bị ùn ứ ở Biển Đen sau khi xung đột ở với Nga nổ ra. Việc tắc nghẽn đã khiến một lượng lớn ngũ cốc của Ukraine, có giá rẻ hơn nhiều so với giá bán ở thị trường EU, chuyển hướng sang Ba Lan. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và doanh số bán hàng của nông dân địa phương.
“Thay vì đến thị trường quốc tế, đến châu Phi, như các chính trị gia đã cam kết với chúng tôi, ngũ cốc Ukraine vẫn ùn ứ ở Ba Lan,” nông dân Ba Lan Marcin Misiak nói với giới truyền thông, đồng thời cho biết thêm rằng những khách hàng thường xuyên của ông đã chọn mua ngô rẻ hơn từ Ukraine.
Theo Misiak, ông có thể bán lúa mì với giá 369 USD/tấn vào tháng 8/2022, nhưng vào đầu tháng 3/2023, mặt hàng này chỉ còn được mua với giá 239 USD/tấn.
Theo ước tính, Chính phủ Ba Lan đã phải chi hàng chục triệu euro để hỗ trợ người dân gặp thiệt hại bởi ngũ cốc nhập khẩu.
Ngày 31/3 truyền thông Ba Lan cho biết thủ tướng của các quốc gia Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Slovakia cho rằng việc nhập khẩu nông sản Ukraine đã gây bất ổn thị trường. Để đối phó với tình hình, họ yêu cầu phân bổ tiền từ các quỹ của EU.
“Với quy mô của hiện tượng trên, cần phải tăng đáng kể số nguồn tài chính được EU phân bổ để hỗ trợ. Cần có thêm kinh phí vì không có đủ tiền từ ngân sách quốc gia”, bức thư viết.
Các thủ tướng tin rằng nguồn tài trợ bổ sung sẽ giúp chuyển lượng ngũ cốc dư thừa của Ukraine đến các quốc gia châu Phi và Trung Đông.
Trước đó, cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ba Lan Marek Savitsky đã đề xuất cấm hoàn toàn việc nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm của Ukraine vào nước này.
Ngoài ra, người đứng đầu phe Liên minh tại Hạ viện Krzysztof Bosak nói rằng tình hình với ngũ cốc Ukraine đã dẫn đến thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế Ba Lan.
Ông Sebastien Abis - nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Chiến lược và Quốc tế (IRIS) của Pháp và trưởng nhóm chuyên gia cố vấn của Câu lạc bộ Demeter – nhận định: “EU đã không thể lường trước được những tác động nhanh chóng của sự cạnh tranh từ các loại ngũ cốc của Ukraine. Giới lãnh đạo nước này đã làm mọi cách để thu lợi nhuận từ tình hình. Tại các cảng châu Âu, cạnh tranh rất khốc liệt và sản phẩm nhập khẩu từ Ukraine vẫn được ưa chuộng hơn”.
Tháng trước, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính cho nông dân từ các quốc gia thành viên láng giềng Ukraine để bù đắp thiệt hại và hạn chế tác động của sự mất cân bằng thị trường. Brussels đã phân bổ khoản dự trù khủng hoảng với tổng số tiền lên tới 61 triệu USD, do Chính sách nông nghiệp chung (CAP) tài trợ.
Chia sẻ trên trang cá nhân, Thủ tướng Ba Lan Morawiecki cho biết nước này cũng sẽ nhận được khoản bồi thường trị giá khoảng 32 triệu USD. Morawiecki nói rằng ông cũng đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Ủy viên EU về thị trường nội bộ cũng như một số quan chức đứng đầu chính phủ các nước EU để thảo luận về vấn đề này.
Sau khi nổ ra xung đột quân sự Nga - Ukraine, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của Ukraine bị đóng băng, làm giấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Khó khăn đã được tháo gỡ khi Ukraine và Nga trong tháng 7/2022 ký thỏa thuận do Liên hợp quốc hậu thuẫn cho phép xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc từ các cảng ven Biển Đen.