Nội dung tư vấn pháp lý từ Bộ trưởng Tư pháp Geoffrey Cox mà Chính phủ Anh công khai có đoạn nêu rõ dù dự thảo có những ghi chú rằng điều khoản "rào chắn" nhằm duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland sẽ không tồn tại mãi mãi và thể hiện rõ ý định của các bên về việc sẽ thay thế điều khoản này bằng những thỏa thuận khác, nhưng theo luật quốc tế, bản dự thảo này sẽ tồn tại vô hạn cho tới khi có một thỏa thuận thay thế. Vì thiếu một thời hạn cụ thể nên tồn tại một nguy cơ pháp lý rằng Anh có thể sẽ mắc kẹt trong các cuộc đàm phán kéo dài và lặp đi lặp lại.
Đây được coi là một nhận định bất lợi với những nỗ lực kêu gọi ủng hộ thỏa thuận của bà May bởi điều khoản "rào chắn" này là vấn đề gây tranh cãi lớn nhất. Điều khoản cho phép Anh ở lại liên minh thuế quan và vùng Bắc Ireland ở lại thị trường chung EU thời kỳ hậu Brexit cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại. Trong khi nhiều nghị sĩ lo ngại điều khoản này sẽ ràng buộc Anh mãi mãi trong các qui định thị trường EU và đưa đất nước vào một kịch bản Brexit "nửa vời" thì đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) tại Bắc Ireland lo ngại điều khoản sẽ khiến vùng Bắc Ireland tách ra khỏi Vương quốc liên hiệp Anh.
Nigel Dodds cho rằng đây là những bằng chứng cho thấy vùng Bắc Ireland sẽ chịu những qui định khác với toàn bộ những vùng còn lại của Vương quốc Liên hiệp Anh. Lãnh đạo DUP Arlene Foster từng cho rằng thỏa thuận có thể tạo ra những rào cản thương mại giữa vùng Bắc Ireland và lục địa Anh, đồng thời kêu gọi bà May tìm phương án thứ ba. DUP là đảng từng lập thỏa thuận hợp tác với đảng Bảo thủ của bà May để đảm bảo thế đa số tại quốc hội nước này.
Trước đó, Hạ viện Anh ngày 4/12 đã bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của 6 đảng chính trị tại Anh về việc công bố toàn văn nội dung tư vấn pháp lý về thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May. Công đảng đối lập lớn nhất đã yêu cầu toàn văn nội dung tư vấn pháp lý của Bộ trưởng Tư pháp Geoffrey Cox phải được công bố để các nghị sĩ có thể lựa chọn một cách có cơ sở hơn trước khi Hạ viện dự kiến bỏ phiếu thông qua nội dung thỏa thuận Brexit vào ngày 11/12 tới. Bà May phủ nhận các cáo buộc che giấu thông tin tư vấn pháp lý về thỏa thuận. Phát biểu tại Quốc hội, bà May nêu rõ: "Chúng tôi không che giấu thông tin về thỏa thuận Brexit trước các thành viên của quốc hội".
Brexit, tiến trình chuyển đổi kinh tế và chính trị lớn nhất tại Anh kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã không ít lần đẩy chính trường Anh vào khủng hoảng sau cuộc trưng cầu ý dân với kết quả bất ngờ hồi năm 2016. Sau hơn 1 năm đàm phán, thỏa thuận sơ bộ đã được Anh và EU thông qua nay lại đang chật vật tìm kiếm sự ủng hộ trong nước để vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh vào ngày 11/12 tới. Hiện vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra nếu thỏa thuận bị Quốc hội bác bỏ trong khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là Anh chính thức rời EU. Có các khả năng từng được nhắc tới gồm tái đàm phán một cách hạn chế, Brexit không thỏa thuận, bầu cử trước thời hạn hoặc trưng cầu ý dân lần hai.
Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã lên tiếng cảnh báo trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Anh về những nguy hiểm có thể xảy ra trong các trường hợp như Quốc hội bác bỏ thỏa thuận sơ bộ hay khi không rời EU hoặc đột ngột chấm dứt hầu hết các mối liên hệ hiện tại với EU. Ông cho rằng bất kỳ giải pháp nào gây ra chia rẽ nội bộ, khiến phần đa dân số cảm thấy bị phản bội sẽ gây ra những tác động chính trị và xã hội tiêu cực, gây thiệt hại gấp nhiều lần những tác động kinh tế có thể gặp phải nếu ủng hộ thỏa thuận hiện tại.