Triển vọng u ám có thể sẽ đeo bám cổ phiếu Nhật Bản sau khi họ phải chịu một trong những đợt lao dốc tồi tệ nhất trong lịch sử vào đầu tháng này, khi lo ngại về lập trường cứng rắn của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái đã tác động mạnh tới thị trường.
Lợi nhuận ròng tại 500 công ty niêm yết lớn nhất của Nhật Bản thuộc nhóm chỉ số TOPIX 500 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 15.000 tỷ yen (104 tỷ USD) trong quý kết thúc vào ngày 30/6, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Một yếu tố hỗ trợ đáng kể cho mức lợi nhuận trên đến từ đồng yen yếu giúp nâng giá trị của các khoản thu nhập ở thị trường nước ngoài. Đồng yen giao dịch ở mức trung bình 156 yen so với USD trong giai đoạn từ tháng 4 - 6/2024, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức thấp nhất trong 34 năm vào đầu tháng Bảy. Kể từ đó, đồng tiền này đã tăng trở lại khoảng 145 yen đổi 1 USD.
Việc đồng yen phục hồi tới 12% từ mức thấp nhất ghi nhận vào tháng Bảy đang khiến nỗi lo về tình trạng bào mòn lợi nhuận của các công ty ngày một nổi cộm.
Số liệu do hãng tin Bloomberg tổng hợp cho thấy 45% doanh thu của các công ty trong nhóm Chỉ số Topix 500 đến từ bên ngoài Nhật Bản. Các nhà phân tích ước tính rằng mỗi lần đồng yen Nhật tăng giá so với đồng USD sẽ làm giảm lợi nhuận của các công ty trong nước từ 0,4 - 0,6%.
Mối lo ngại về tính bền vững của thu nhập đặt ra thách thức cho các cổ phiếu Nhật Bản, vốn đã mất đi danh hiệu là thị trường hoạt động tốt nhất thế giới sau một khởi đầu tuyệt vời cho năm 2024. Một số công ty môi giới tài chính bao gồm JPMorgan, UBS Group AG và Goldman Sachs Group Inc. đã hạ mục tiêu giá của họ, ngay cả khi thị trường Nhật Bản vẫn duy trì được xu hướng tích cực chung.
Việc đồng tiền tăng giá đột ngột đã gây khó khăn cho các công ty đưa đồng yen yếu vào ước tính lợi nhuận. Nhà sản xuất máy nội soi Olympus Corp. dự báo đồng USD ở mức 151 yen đổi 1 USD trong năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 3/2025) và công ty hóa chất Mitsubishi Chemical Group Corp. cho rằng đồng USD sẽ ở mức 150 yen đổi 1 USD.
Bà Rie Nishihara, chiến lược gia trưởng của công ty môi giới tài chính JPMorgan Securities chi nhánh Nhật Bản, cho biết 20% các công ty đã cho rằng đồng yen sẽ yếu hơn ngưỡng 150 yen đổi 1 USD, khiến họ khó đáp ứng được dự kiến trong năm tài chính này sau khi đồng yen phục hồi. Điều đó đặc biệt đúng đối với các công ty phụ thuộc vào nhu cầu nước ngoài.
Nhiều công ty Nhật Bản cũng đang gặp khó khăn ở Trung Quốc. Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy tình trạng kinh tế trì trệ của Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Điều đó đang gây tổn hại cho nhiều công ty Nhật Bản vốn được hưởng lợi từ sự bùng nổ chi tiêu đầu tư tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - chẳng hạn như nhà sản xuất robot Yaskawa Electric Corp. và nhà sản xuất máy móc chính xác Shimadzu Corp.
Cho đến nay, nhiều công ty Nhật Bản vẫn đối phó được với tình trạng suy yếu tại thị trường Trung Quốc nhờ nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ. Nhưng thị trường đang xuất hiện nhiều lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái sau các số liệu không như kỳ vọng.
Hiện nhiều nhà phân tích vẫn hy vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ “hạ cánh mềm” và Nhật Bản sẽ ổn định được đồng yen, đồng thời duy trì tăng trưởng thu nhập.
Ông Shingo Ide, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu tại Viện nghiên cứu NLI, cho biết đúng là báo cáo thu nhập của các công ty Nhật Bản khá tốt, nhưng môi trường kinh tế ở nước ngoài vẫn chưa chắc chắn. Theo ông, chưa có lý do gì để nhà đầu tư vội vàng mua cổ phiếu Nhật Bản vào lúc này.