Dự án kênh đào Nicaragua (Đường màu đỏ). |
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, từ năm 2013, ERM đã được tập đoàn Trung Quốc HKND – nhà thầu chính của công trình – thuê làm nhà thầu thẩm định tác động toàn diện về môi trường của dự án được mệnh danh là “công trình hạ tầng cơ sở lớn nhất trong lịch sử” này, với sự tham gia và giám sát của các nhà sinh học và môi trường học người Nicaragua.
Ông Bill Wild, cố vấn trưởng của dự án, cho biết ERM đã đưa một số tư vấn để tránh những tác động về môi trường, xã hội và giảm thiểu các nguy cơ gây hại, dù có nâng giá chi phí của kênh đào.
HKND đã chấp thuận các khuyến cáo của ERM và tiến hành chỉnh sửa, như việc di chuyển vị trí đầu vào kênh đào bên phần Thái Bình Dương 250m về phía Nam và cửa ra phần biển Caribe về phía đông, bao gồm cả việc xây thêm một hải cảng trên một bán đảo nhân tạo để tránh tác động tới 2 cửa sông gần kề.
Theo thiết kế được công bố, Kênh đào Nicaragua sẽ có tổng chiều dài 278km, trong đó 105km đi qua Hồ Cocibolca – hồ lớn nhất và nguồn dự trữ nước ngọt chủ chốt tại Trung Mỹ - với độ sâu dao động từ 27,6 tới 30m.
Các nhà đầu tư được khai thác công trình này trong 50 năm, có thể được kéo dài thêm 50 năm nữa, đổi lại việc bỏ vốn thi công ngoài kênh đào ít nhất 2 cảng biển, 1 sân bay quốc tế, đường giao thông trên bộ, một khu tự do mậu dịch, quần thể du lịch, một hồ nhân tạo rộng 395km2, cùng các nhà máy điện, thép và xi măng.
Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Nicaragua, kênh đào xuyên đại dương sẽ tạo ra khoảng 50.000 việc làm trực tiếp và tăng gấp đôi Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của quốc gia Trung Mỹ này.