Theo tạp chí Financial Times, Chetan Ahya - trưởng ban kinh tế châu Á của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley – dự báo rằng thay đổi trong cách tiếp cận chính sách theo hướng thúc đẩy đầu tư cùng với lợi thế về nhân khẩu học và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027.
Bên cạnh đó tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ sẽ tăng từ 3.400 tỷ USD hiện tại lên 8.500 tỷ USD trong 10 năm tới.
“Mỗi năm, GDP Ấn Độ sẽ tăng thêm hơn 400 tỷ USD, chỉ số vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc”, chuyên gia Chetan viết, trích dẫn các cải cách thuế trong khuôn khổ Thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST), như cắt giảm thuế doanh nghiệp và áp dụng các chương trình khuyến khích liên kết sản xuất là những ví dụ về sự thay đổi trong chính sách của chính phủ.
Trong một thế giới đa cực nơi các công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Ấn Độ đang nổi lên như một điểm đến được ưa chuộng.
"Ấn Độ đang bước vào giai đoạn mà thu nhập sẽ tăng lên với tốc độ nhanh. Làm một phép so sánh, Ấn Độ mất 31 năm kể từ năm 1991 để tăng GDP thêm 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên, theo dự đoán của chúng tôi, Ấn Độ sẽ chỉ cần 7 năm để GDP nhận thêm con số tương tự”, ông Chetan chỉ ra.
Nhà kinh tế học này cũng nhấn mạnh sự khác biệt về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số giữa Ấn Độ và các nền kinh tế khác. Trong khi Ấn Độ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công cộng dựa trên một mạng lưới do cơ quan quản lý nhận dạng Aadhaar của chính phủ điều hành thì các nền kinh tế khác đi theo con đường tư nhân.
Ông Chetan lưu ý: “Sự thay đổi trong cách tiếp cận chính sách của Ấn Độ đang đưa nước này gần hơn với mô hình Đông Á về tận dụng xuất khẩu, tăng cường tiết kiệm và tái chế để đầu tư”.
Chuyên gia lấy ví dụ về Trung Quốc khi so sánh GDP của Ấn Độ ngày nay bằng với mức GDP của Trung Quốc vào năm 2007.
Tuy nhiên, dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ đang tăng lên. Điều này cho thấy nước này sẽ có cơ hội tăng trưởng dài hơn. Độ tuổi trung bình của Ấn Độ hiện nay cũng ít hơn 11 tuổi so với độ tuổi trung bình tại Trung Quốc.