Thông tin trên được đưa ra sau khi có tin Nam Phi đã vượt qua đỉnh điểm làn sóng COVID-19 do biến thể Omicron.
Theo tờ Washington Post, trong tháng 12 vừa qua, biến thể Omicron đã lan truyền khắp thế giới với tốc độ kinh ngạc, nhằm vào cả những người đã tiêm chủng đầy đủ hoặc người hồi phục sau COVID-19. Hôm 30/12, nước Mỹ ghi nhận trên 580.000 ca nhiễm, vượt kỷ lục được thiết lập chỉ một ngày trước đó.
Đây còn được cho là một con số chưa đánh giá hết thực tế vì tình trạng thiếu xét nghiệm, hoặc xét nghiệm ở nhà đang trở nên phổ biến, cũng như độ trễ của các dữ liệu báo cáo trong dịp nghỉ lễ. Ngoài ra, thống kê trên cũng chưa kể một số lượng lớn người có thể nhiễm virus không có triệu chứng và không hay biết về điều đó.
Dự báo mới từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia cho thấy nước Mỹ có thể đạt đỉnh điểm làn sóng Omicron vào ngày 9/1 với khoảng 2,5 triệu ca nhiễm mỗi tuần, nhưng con số này cũng có thể lên tới 5,4 triệu. Tại thành phố New York, thành phố đầu tiên của Mỹ chứng kiến làn sóng Omicron lớn, các nhà nghiên cứu ước tính rằng các ca bệnh sẽ đạt đỉnh điểm ngay tuần đầu tiên của năm mới.
“Thật là sốc. Thật đáng lo ngại” - Jeffrey Shaman, một nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, người dẫn đầu công việc lập mô hình tại Đại học Columbia, cho biết - “Chúng ta đang chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 chưa từng có.”
Theo dữ liệu từ Nam Phi và dữ liệu sơ bộ từ Anh công bố hôm 31/12, biến thể Omicron nhẹ hơn đáng kể so với biến thể Delta cũng như các phiên bản khác của SARS-CoV-2 và ít có khả năng khiến người nhiễm nhập viện hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết số lượng khổng lồ người mắc bệnh đồng thời ở Mỹ có thể gây căng thẳng rất lớn cho các bệnh viện, đặc biệt là ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc ở những nơi bệnh viện vốn đã quá tải. Mặc dù vậy gánh nặng của biến thể Omicron sẽ phụ thuộc vào mức độ tấn công nhanh chóng của nó trong các cộng đồng, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Trong khi đó, một mô hình khác, do nhóm nghiên cứu từ Đại học Washington đưa ra vào tuần trước, ước tính rằng nước Mỹ sẽ đạt đỉnh điểm làn sóng Omicron vào cuối tháng 1. Nhưng ngay cả những nhà nghiên cứu đó hiện cũng đang cân nhắc lại dự báo của mình do sự lan truyền nhanh chóng của Omicron.
Ali Mokdad, nhà nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng tại Đại học Washington, cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi dữ liệu ngay bây giờ và cho rằng đỉnh điểm sẽ đến nhanh hơn nhiều. Tôi đoán là nó sẽ xảy ra trước giữa tháng 1.”
William Hanage, nhà nghiên cứu tại trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, cho biết thêm: “Bối cảnh của tất cả những điều này là các bệnh viện đang gặp khó khăn. Chúng ta không có nhiều khả năng dự phòng như vậy. Và tất nhiên, Omicron khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn ”.
Có một số lý do để cho rằng hành vi của biến thể Omiceon ở Mỹ có thể khác với các quốc gia khác. Ví dụ, ở Nam Phi, dân số trẻ hơn nhiều và một phần lớn đã bị nhiễm bởi các đợt virus trước đó. Ở Anh, tỷ lệ tiêm chủng cho người lớn tuổi cao hơn nhiều so với ở Mỹ.
Mặc dù Nam Phi chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp mắc bệnh, sau đó là sự sụt giảm mạnh, nhưng vẫn chưa rõ diễn biến tương tự có xuất hiện ở Mỹ hay không.
Theo bà Natalie Dean, một nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Đại học Emory, có hai yếu tố có thể khiến các ca nhiễm mới giảm xuống. Yếu tố góp phần lớn nhất là virus có thể càn quét qua dân cư trong một số cộng đồng nhất định, đặc biệt là các thành phố đông đúc, sau đó các ca bệnh mới giảm xuống. Người dân cũng có thể thay đổi hành vi của mình, khiến virus khó có cơ hội lây lan hơn.
Yếu tố thứ hai, Mỹ có thể chứng kiến nhiều đợt bùng phát cục bộ hơn, với các ca bệnh bắt đầu giảm ở các điểm nóng hiện tại, như Thành phố New York, Washington D.C., và bắt đầu bùng phát ở những nơi khác. Điều đó có thể dẫn đến nhiều đỉnh tròn hơn thay vì những cú quay đầu đột ngột.