Theo hãng tin Kyodo, ngày 10/2, Nhật Bản và Indonesia đã bày tỏ quan ngại về tình hình Myanmar. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới nhất tại quốc gia Đông Nam Á này. Hai bên cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ trong việc đối phó với tình hình tại Myanmar.
Bộ trên dẫn lời Ngoại trưởng Motegi cho hay Nhật Bản sẽ kêu gọi quân đội Myanmar nhanh chóng ổn định tình hình, trả tự do cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và những người bị bắt giữ khác, cũng như nhanh chóng khôi phục thể chế chính trị dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì an ninh, an toàn cho người dân Myanmar cũng như quay trở lại với tiến trình dân chủ.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi cũng đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken trong khoảng thời gian 40 phút.
Hai ngoại trưởng đã trao đổi ý kiến trên cơ sở Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 3/2 vừa qua và bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Myanmar hiện nay. Hai nhà ngoại giao cũng nhất trí thúc giục lực lượng vũ trang Myanmar trả tự do cho các quan chức, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, và khôi phục lại hệ thống chính trị dân chủ càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, hai ngoại trưởng cũng trao đổi về tình hình khu vực, trong đó chia sẻ quan ngoại sâu sắc đối với các hành động đơn phương của Trung Quốc tại khu vực Biển Hoa Đông, bao gồm ban hành Luật Hải cảnh mới. Đồng thời nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong ứng phó với các thách thức mà khu vực và cộng đồng quốc tế đang đối mặt.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ áp đặt trừng phạt nhằm vào giới quân sự của Myanmar.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Biden đã kêu gọi quân đội Myanmar ngay lập tức trả tự do những người bị bắt giữ, gồm cả bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.
Cùng ngày, Sputniknews cho biết báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về tình hình nhân quyền tại Myanmar Tom Andrews cảnh báo các lực lượng an ninh Myanmar tránh sử dụng vũ lực quá mức trong các cuộc biểu tình hàng loạt, cho rằng những hành động như vậy có thể cấu thành tội ác quốc tế. Ông nhấn mạnh các lực lượng an ninh, bao gồm các chỉ huy, binh sĩ và những nhân viên an ninh khác có nghĩa vụ về pháp lý, đạo đức và nghề nghiệp nhằm bảo vệ người dân Myanmar.
Trong một diễn biến khác, theo hãng tin Anh Reuters, thông báo trên mạng xã hội Facebook ngày 11/2, một quan chức thuộc NLD cho biết một trong những cố vấn thân cận nhất của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi - ông Kyaw Tint Swe đã bị bắt trong một đợt bắt giữ mới.
Ông Kyaw Tint Swe từng nắm giữ chức Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Cố vấn nhà nước trong chính quyền của bà Suu Kyi, người đã bị bắt giữ sau vụ đảo chính hôm 1/2. Thành viên ủy ban thông tin NLD Kyi Toe cho hay ông Kyaw Tint Swe và 4 người khác đã bị bắt tại nhà riêng.