Tờ Bangkok Post dẫn lời ông Terdsak Kittiwarakul, Tổng Thư ký Hiệp hội thương mại biên giới Thái Lan-Myanmar tại Ban Phu Nam Ron, cho biết Myanmar cần hàng tiêu dùng từ Thái Lan và nhập khẩu hải sản, hành tím qua tỉnh Kanchanaburi.
Tỉnh Kanchanaburi đã đơn phương đóng cửa biên giới với Myanmar sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại khu vực này. Biên giới sẽ đóng cửa trở lại sau ngày giao dịch 4/2. Các chuyến hàng chở thuốc lá và đồ uống có cồn bị cấm.
Hoạt động thương mại qua biên giới ở huyện Mae Sot của tỉnh Tak và huyện Mae Sai của tỉnh Chiang Rai đã được nối lại vào ngày 1/2 vừa qua. Trạm kiểm soát Mae Sot là cửa khẩu thương mại biên giới quan trọng, trong đó hàng hóa đến Yangon chủ yếu được vận chuyển qua cửa khẩu này. Thái Lan và Myanmar có chung đường biên giới kéo dài khoảng 2.400 km.
Trong khi đó, tại Australia, nhà chức trách nước này cho biết các đường biên giới quốc tế của Australia có khả năng sẽ sớm được mở cửa trở lại nhờ hiệu quả nhanh chóng của vaccine ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Y tế Australia Brendan Murphy ngày 4/2 cho biết triển vọng tích cực của vaccine ngừa COVID-19 mang lại hy vọng về việc mau chóng phục hồi việc đi lại quốc tế, giúp lệnh đóng cửa biên giới quốc gia được dỡ bỏ sớm hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, ông Murphy cũng nhắc lại điều kiện hàng đầu để Australia xem xét thời điểm mở cửa biên giới quốc gia sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của vaccine trong ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Ông Murphy nhấn mạnh ưu tiên của Australia là ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trở lại và sức khỏe của người dân cần phải được đặt lên hàng đầu. Theo ông, vaccine Pfizer đã được cấp phép tại Australia vào tháng 1, trong khi vaccine AstraZeneca dự kiến sẽ được cấp phép vào cuối tháng này. Với việc nhanh chóng triển khai cả hai loại vaccine nói trên, dự tính tới cuối năm 2021, Australia sẽ đạt được mục tiêu phổ cập vaccine trên toàn quốc.
Mặc dù cơ quan y tế công nhận vaccine phòng COVID-19 sẽ sử dụng tại Australia có tác dụng hỗ trợ chống lại sự gây bệnh và ngăn ngừa tử vong do virus SARS-CoV-2 gây ra, nhưng các nhà chức trách vẫn chưa rõ hiệu quả của chúng như thế nào trong việc ngăn chặn virus lây truyền từ người này sang người khác. Vì vậy, sẽ cần một thời gian nữa để Australia có thể đưa ra hành động cụ thể, liên quan tới quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh hạn chế và đóng cửa biên giới quốc gia.
Thủ tướng Australia Scott Morrison từng tuyên bố nước này sẽ không vội vàng mở cửa biên giới với phần còn lại của thế giới nếu chưa chắc chắn về hiệu quả của vaccine phòng COVID-19. Bộ trưởng Y tế Murphy thậm chí đã dập tắt hy vọng của ngành du lịch quốc tế với nhận định biên giới quốc gia có khả năng sẽ đóng cửa cho tới hết năm nay.
Australia bắt đầu đóng cửa biên giới quốc gia kể từ tháng 3/2020, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan. Mặc dù việc đưa người dân hồi hương vẫn đang được thúc đẩy, đến nay vẫn còn gần 40.000 người Australia đang bị mắc kẹt tại nước ngoài.