Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật hiện nay được triển khai vào năm 1993, nhằm chuyển giao kỹ năng, đào tạo nghề cho lao động đến từ các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, chương trình này đã gây nhiều tranh cãi. Các chuyên gia đã chỉ ra thực trạng thực tập sinh nước ngoài bị lạm dụng hoặc không được trả lương và bị quấy rối khiến cho nhiều lao động được tuyển dụng theo chương trình này bỏ trốn.
Hệ thống mới được Hạ viện Nhật Bản thông qua nhằm mục đích đào tạo nâng cao tay nghề cho các thực tập sinh nước ngoài trong vòng 3 năm để họ có thể chuyển lên cấp độ công nhân lành nghề số 1 với thời gian ở lại Nhật Bản làm việc lên đến 5 năm và sau đó tiến lên cấp độ công nhân lành nghề số 2 với khả năng có được thường trú. Mục tiêu của hệ thống mới là đào tạo và giữ chân tài năng nước ngoài, cho phép lao động nước ngoài có thể chuyển sang doanh nghiệp khác trong cùng một nhóm ngành nghề với những điều kiện nhất định, sau khi họ đã làm việc ở một nơi trong hơn một năm. Để ngăn chặn các nhà môi giới trục lợi, hệ thống cấm các công ty tư nhân tham gia vào quá trình chuyển nhượng. Các tổ chức giám sát tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài sẽ được yêu cầu bổ nhiệm kiểm toán viên bên ngoài để nâng cao tính trung lập.
Hệ thống do chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida bảo trợ dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua trong phiên họp đang diễn ra cho đến ngày 23/6. Nếu được ban hành, luật mới sẽ có hiệu lực trong vòng 3 năm.
Cục quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản cho biết tính đến cuối năm 2023, số lượng lao động nước ngoài có tay nghề đã tăng 59,2% so với một năm trước đó lên khoảng 208.000 người, trong khi số thực tập sinh theo chương trình thực tập kỹ thuật của Nhật Bản tăng 24,5% lên khoảng 404.000 người.
Số lượng người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục hơn 3,4 triệu người vào năm ngoái, nhưng dân số Nhật Bản đã giảm 595.000 người so với năm trước xuống còn 124.352.000 người tính đến ngày 1/10/2023, đánh dấu năm giảm thứ 13 liên tiếp.