Trong báo cáo sơ bộ, hội đồng kêu gọi thiết lập hệ thống mới nhằm khẳng định rõ mục đích "đảm bảo" nguồn nhân lực, không như chương trình hiện nay là nhằm chuyển giao kiến thức và kỹ năng cho các nước đang phát triển.
Báo cáo cũng kêu gọi tạo điều kiện để người lao động có thể thay đổi công việc trong cùng một ngành và chuyển nơi làm việc - vốn không được phép trong chương trình thực tập sinh nước ngoài hiện nay. Những ý kiến chỉ trích cho rằng chương trình hiện nay là "vỏ bọc" để các công ty nhập khẩu lao động giá rẻ.
Trong bối cảnh già hóa dân số và thiếu lao động nghiêm trọng, Chính phủ Nhật Bản hy vọng khuyến khích lao động nước ngoài làm việc lâu dài ở Nhật Bản. Dự kiến, các thành viên hội đồng sẽ tiếp tục thảo luận cách thức bảo vệ người lao động nước ngoài về nhiều vấn đề, trong đó có các đối tượng môi giới không trung thực. Trên thực tế, nhiều đối tượng môi giới và các tổ chức giám sát đã không ngăn chặn được hành vi lạm dụng thực tập sinh. Hiện hội đồng trên đang hoàn tất đề xuất để có thể đệ trình chính phủ vào mùa thu năm nay.
Năm 1993, Nhật Bản ra mắt Chương trình thực tập sinh dành cho người nước ngoài vào nhằm chuyển giao kiến thức và kỹ năng của Nhật Bản cho thực tập sinh từ các nước đang phát triển, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất. Các thực tập sinh được phép làm việc tới 5 năm. Tuy nhiên, chương trình này bị chỉ trích là chỉ đơn thuần tạo điều kiện cho công ty nhập khẩu lao động giá rẻ.
Ngoài ra, cũng có nhiều cáo buộc về việc các doanh nghiệp lạm dụng thể chất của thực tập sinh và khấu trừ tiền lương. Những thông tin về việc các thực tập sinh đang mang thai bị buộc phải tiếp tục làm việc để giữ vị trí và các thực tập sinh bỏ trốn để thoát khỏi điều kiện làm việc khắc nghiệt đã khiến dư luận hoài nghi về tính hiệu quả của chương trình này.
Tính đến cuối năm 2022, tại Nhật Bản có khoảng 325.000 thực tập sinh kỹ năng là người nước ngoài.