Dubai muốn trở thành thủ phủ dành cho tiền số và giới tài phiệt Nga

Thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) muốn trở thành thủ phủ mới dành cho tiền số cũng như những người Nga giàu có đang tìm cách tránh các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt. Tới nay, nỗ lực của Dubai đã có kết quả.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Getty Images

Theo tờ Fortune, ngày 28/3, sàn giao dịch tiền điện tử Bybit cho biết đang chuyển trụ sở từ Singapore đến Dubai và có thể bắt đầu hoạt động ngay trong tháng 4.

Một sàn giao dịch tiền điện tử khác ở Singapore là Crypto.com cũng cho biết họ đang mở một trung tâm ở Dubai và sẽ tuyển dụng đáng kể trong những tháng tới. Sàn giao dịch này có 10 triệu khách hàng tại 90 quốc gia.

Ngày 28/3, ông Thani Al Zeyoudi, Bộ trưởng Ngoại thương UAE, cho biết: “Việc Bybit quyết định mở trụ sở toàn cầu tại Dubai là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi để đưa UAE trở thành trung tâm kỹ thuật số toàn cầu. Để đi trước trong ngành thay đổi nhanh này, chúng tôi đang xây dựng hệ sinh thái thân thiện với doanh nghiệp, có các quy định linh hoạt để thu hút, giữ chân và hỗ trợ các công ty đạt tăng trưởng cao”.

Hai sàn giao dịch tiền điện tử nói trên là hai công ty mới nhất tham gia vào dach sách ngày càng dài gồm các công ty tiền điện tử đang tăng cường hoạt động tại Dubai, một trong 7 tiểu vương quốc thuộc UAE. Các công ty này đã đưa hoạt động giao dịch tiền điện tử sang UAE vì các nước khác vẫn có quy định không rõ ràng hoặc chính sách không thân thiện với tiền điện tử.

Trước Bybit và Crypto.com, đầu tháng này, Dubai đã cấp giấy phép tài sản ảo cho Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Dubai cũng cấp phép cho chi nhánh châu Âu của FTX - sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại Bahamas.

Với giấy phép này, các công ty có thể hoạt động hợp pháp tại Dubai. Ngày 15/3, FTX châu Âu cho biết sẽ thành lập một trụ sở của khu vực tại Dubai.

Vào tháng 3, Dubai đã thông qua bộ luật để thu hút các công ty tiền điện tử. Chính quyền Dubai sẽ quản lý tài sản ảo và đã thiết lập cơ quan quản lý tài sản ảo để giám sát lĩnh vực này.

Động thái này khác hẳn các quốc gia khác như Singapore - quốc gia đã tìm cách kiềm chế một số khía cạnh của ngành tiền điện tử trong những tháng gần đây. Singapore đã ban hành hướng dẫn vào tháng 1, theo đó cấm các công ty tiền điện tử quảng cáo các dịch vụ với người dân vì cho rằng tiền điện tử rất rủi ro và không phù hợp.

Các công ty tiền điện tử không phải là những công ty duy nhất mà Dubai muốn thu hút.

Trong khi các nước phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt để gây tổn hại cho nền kinh tế và các nhà tài phiệt Nga, Dubai lại mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư người Nga giàu có.

Ít nhất doanh nhân Nga có biệt thự trị giá hơn 314 triệu USD tại Dubai. Khi các biện pháp trừng phạt tăng vọt, số lượng người Nga đang muốn mua tài sản ở Dubai đã tăng.

Mối liên hệ giữa người Nga và tài sản tiền điện tử là điều mà các nước phương Tây đau đầu từ khi thắt chặt các biện pháp trừng phạt Nga. Vì có thể giao dịch ẩn danh tiền điện tử và không cần tới các bên thứ ba hoặc ngân hàng, nên các chính phủ phương Tây lo sợ giới tài phiệt Nga sẽ dùng loại tài sản này để tránh các lệnh trừng phạt.

Ông Wally Adeyemo, Thứ trưởng Tài chính Mỹ đã cảnh báo các công ty tiền điện tử về việc giúp người Nga tránh các lệnh trừng phạt. Ông nói: “Chúng tôi muốn nói rõ với các sàn giao dịch tiền điện tử, tổ chức tài chính, cá nhân hay bất kỳ ai có thể giúp Nga tránh các biện pháp trừng phạt của chúng tôi: Chúng tôi sẽ yêu cầu chịu trách nhiệm”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nga đang chuẩn bị trả khoản nợ 2 tỷ USD
Nga đang chuẩn bị trả khoản nợ 2 tỷ USD

Nga đang chuẩn bị sẵn sàng các khoản thanh toán liên quan tới khoản vay 2 tỷ USD đến hạn vào tháng sau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN