Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức đưa ra tuyên bố trên 1 ngày sau khi Anh chính thức kích hoạt tiến trình đàm phán Brexit.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ . Ảnh:AFP/TTXVN |
Trong tuyên bố nêu trên, Ngoại trưởng Gabriel kêu gọi Anh thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ tài chính, đồng thời khẳng định không có bất cứ chương trình "giảm giá" cho người Anh trong tiến trình đàm phán Brexit. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức đã đưa ra tuyên bố trên sau khi Bộ trưởng Anh phụ trách Brexit, David Davis tuyên bố Anh sẽ không trả cho EU các khoản tiền bồi thường cho việc chấm dứt tư cách thành viên của mình.
Trong khi đó, theo giới truyền thông, chính quyền London sẽ phải thanh toán khoản bồi thường như phần bảo đảm các cam kết hiện có của nước này, với tổng số tiền từ 50 đến 60 tỉ euro, trong đó có việc trả lương cho những người Anh sinh sống tại các nước EU, cung cấp đảm bảo cho các khoản tín dụng cũng như chi cho các nhu cầu khác. Việc xác định tổng trị giá các khoản thanh toán này là một trong những chủ đề chính trong các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về Brexit.
Cũng trong tuyên bố này, Ngoại trưởng Đức bày tỏ mong muốn tiến trình đàm phán Brexit sẽ được bắt đầu từ cuối tháng 5/2017, đồng thời tái khẳng định lập trường rằng London sẽ không thể được hưởng mọi lợi ích của khối thị trường chung EU trong khi vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát người nhập cư. Ông bày tỏ mong muốn của Đức duy trì quan hệ tốt đẹp với Anh.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Anh, trong bài viết ngày 30/3, Tiến sỹ Robin Niblett Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House) cho rằng hành trình Brexit mà Anh chuẩn bị thực hiện sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ đa dạng và phức tạp, bắt nguồn từ những chia rẽ nội bộ và cả bất đồng với giới lãnh đạo EU. Ông cho rằng việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon và giới thiệu Dự luật "Hủy bỏ Lớn" mới chỉ là sự khởi đầu.
Bài viết nêu rõ trong hai năm tới, Thủ tướng Theresa May sẽ phải đối mặt với cuộc chiến căng thẳng trên chính trường nước Anh. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về Brexit cũng như triển vọng mối quan hệ song phương. Tiến trình đàm phán Brexit cũng sẽ "kích hoạt" nhiều cuộc tranh cãi chính trị trong nội bộ nước Anh về hàng loạt những vấn đề nóng. Mặc dù có thể giành lại chủ quyền từ EU, nhưng Chính phủ Anh ngay lập tức sẽ lâm vào tình thế khó khăn.
Khi nước Anh còn là một thành viên chính thức của EU, thì những vấn đề này dường như không có cơ hội nổi lên, chi phối đến chính trường. Dự luật "Hủy bỏ Lớn" đề cập tới hàng ngàn nội dung pháp lý khác nhau trong khuôn khổ Luật Cộng đồng châu Âu năm 1972 mà Chính phủ Anh cần phải bóc gỡ và biến chúng thành luật của quốc gia. Việc thông qua dự luật này được coi là một bước đi quan trọng của lộ trình Brexit. Nó sẽ giúp quá trình chuyển giao thời kỳ hậu Brexit diễn ra thuận lợi hơn, để các doanh nghiệp có thể giao dịch hàng hóa và dịch vụ giữa Anh và EU dựa trên những tiêu chuẩn, quy định giống nhau.