Báo cáo của Văn phòng liên bang về an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng (BVL) xác nhận nồng độ cao của các đồng vị cesium-137 và cesium-134 mang dấu hiệu đặc trưng của vụ nổ Chernobyl, đặc biệt là ở miền Nam nước Đức. Tuy nhiên, không có mẫu nào trong số 74 mẫu được thử nghiệm vượt quá giới hạn cho phép là 600 becquerels phóng xạ/kg (1 becquerel là cường độ phóng xạ của vật khi vật đó phân rã trong 1 giây).
BVL cho biết chất phóng xạ ngấm lâu lại trong các khu rừng là do hệ sinh thái của rừng luân chuyển, khiến phóng xạ không thoát và vẫn lưu lại. Điều này cho thấy là nấm hoang dã bị ô nhiễm lâu hơn nhiều so với các sản phẩm nông nghiệp khác.
Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 tại Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine đã phát nổ, gây ra vụ thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử với một lượng lớn chất phóng xạ thải ra ngoài môi trường, phát tán nhiều khu vực tại châu Âu.
Vụ nổ lò phản ứng trong quá trình thử nghiệm an toàn này đã trực tiếp cướp đi sinh mạng của khoảng 30 người. Tuy nhiên, có tới hàng nghìn người được cho là đã tử vong sau đó do nhiễm độc phóng xạ trên khắp Ukraine cũng như nước láng giềng Belarus ở phía Bắc và Nga ở phía Đông.
Hậu quả của vụ nổ kéo dài trong hàng chục năm qua, đặc biệt là đối với sức khỏe con người. Theo giới chức khoa học, tình trạng các bệnh ung thư gia tăng đột biến trong nhiều năm qua ở những khu vực gần đó, đặc biệt là ung thư tuyến giáp.
Hiện con số nạn nhân chính thức trong thảm họa này vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Một báo cáo của Liên hợp quốc hồi năm 2005 ước tính khoảng 4.000 người đã tử vong do nhiễm độc phóng xạ ở các nước Ukraine, Nga và Belarus. Trong khi đó, nghiên cứu của tổ chức môi trường Greenpeace một năm sau đó cho thấy khoảng 100.000 người đã mất đi mạng sống do thảm họa này. Hàng trăm nghìn người đã được sơ tán khỏi khu vực xảy ra thảm họa và Vùng Cấm Chernobyl vẫn là "vùng đất chết".