Đức 'đau đầu' vì nạn trộm đồng

Hành vi trộm cắp kim loại của các băng nhóm tội phạm ở Đức đang khiến người dân và doanh nghiệp lo lắng. Kênh DW (Đức) dự đoán tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi giá đồng tăng.

Chú thích ảnh
Nhà sản xuất đồng Aurubis tại Đức đã chịu thiệt hại lớn do nạn trộm đồng. Ảnh: DW

Trộm đồng lộng hành

Nhà điều hành đường sắt Đức Deutsche Bahn đã gặp khó khăn trong một thời gian dài. Hàng thập niên bị lãng quên đã khiến cơ sở hạ tầng và tàu hỏa của công ty nhà nước này trở nên tồi tàn trong khi tài chính rơi vào tình trạng hỗn loạn. Theo nhật báo Handelsblatt của Đức, nguồn vốn bấp bênh của Deutsche Bahn hiện đang chịu thêm gánh nặng do số vụ trộm đồng ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng năm 2022, công ty đã thiệt hại khoảng 6,6 triệu euro (7 triệu USD). Handelsblatt cho biết từ đầu năm đến nay, các vụ trộm đồng đã khiến 2.644 chuyến tàu chậm lịch trình, tổng cộng hơn 700 giờ.

Khi tội phạm phá hủy các ống cáp để lấy kim loại cơ bản có giá trị, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và hàng trăm nghìn hành khách ngày càng thất vọng về việc Deutsche Bahn không đúng giờ. Nhưng không chỉ có công ty đường sắt quốc gia Đức phải đối mặt với nạn trộm cắp kim loại màu như đồng ngày càng tăng. Dây và ống đồng bị đánh cắp từ các công trường xây dựng. Ngay cả mái nhà thờ thường được lợp bằng những tấm đồng cũng không còn an toàn trước tội phạm.

Tuy nhiên, vụ trộm đồng gây chú ý nhất đã xảy ra tại công ty sản xuất và tái chế đồng Aurubis vào tháng 8. Công ty có trụ sở tại Hamburg tiết lộ họ là nạn nhân của một vụ trộm lớn với thiệt hại gần 200 triệu USD (188,7 triệu euro).

Aurubis, nhà sản xuất đồng lớn nhất châu Âu, nghi ngờ một băng nhóm tội phạm đã đánh cắp đồng của họ. Aurubis tiết lộ rằng do "khác biệt đáng kể" trong hàng tồn kho nên công ty sẽ không đạt được mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Thiếu nguồn cung

Chú thích ảnh
Nạn trộm đồng dẫn đến tình trạng trễ giờ của ngành đường sắt Đức. Ảnh: DW

Đồng là kim loại cơ bản được sử dụng trong nhiều thiết bị do tính dẫn điện tốt. Joachim Berlenbach, người sáng lập kiêm CEO của công ty tư vấn ERI nhận định điều này càng trở nên quan trọng hơn trong quá trình chuyển đổi toàn bộ ngành công nghiệp theo hướng trung hòa carbon. Ông nói thêm rằng chắc chắn “nhu cầu về đồng sẽ tăng mạnh trong tương lai”.

Ông Berlenbach nói với DW: "Hãy nghĩ về một tuabin gió tạo ra điện bằng cách quay cuộn dây đồng qua từ trường. Để có 1 megawatt năng lượng gió, bạn cần 5 đến 9 tấn đồng, tùy thuộc vào việc tuabin ở trên bờ hay ngoài khơi".

Theo ông, giá đồng sẽ tiếp tục tăng bởi vì "đơn giản là chúng ta không có đủ nguyên liệu thô quan trọng này để đạt được các mục tiêu khử cacbon. Những người ủng hộ quá trình chuyển đổi năng lượng thường bỏ qua điều này".

Ông Berlenbach cho rằng động lực chính thúc đẩy giá đồng trong tương lai sẽ là sự phát triển kinh tế ở các nước mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, nơi mức sống ngày càng tăng sẽ dẫn đến "nhiều ô tô được sử dụng hơn, nhiều hệ thống điều hòa không khí được lắp đặt hơn và nhiều ngôi nhà có hệ thống dây điện tốt hơn”.

Ông đồng thời cho biết tính đến nay con người đã khai thác tổng cộng 700 triệu tấn đồng và “chúng ta sẽ cần lượng đồng tương tự trong 30 năm tới”. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng việc khám phá và khai thác các mỏ đồng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Những mỏ này chủ yếu được tìm thấy ở các quốc gia có rủi ro địa chính trị như Chile và Cộng hòa Dân chủ Congo nơi các công ty sẽ chỉ đầu tư "nếu nó có giá trị kinh tế".

Đồng bị trộm đi đâu về đâu?

Chú thích ảnh
Một mỏ khai thác đồng tại Zambia. Ảnh: Getty Images

Ông Ralf Schmitz tại Hiệp hội các nhà buôn và tái chế kim loại Đức (VDM) cho biết việc bán đồng bị đánh cắp trên thị trường tái chế được quản lý chặt chẽ ở châu Âu là không hề dễ dàng. Gần đây, ông chia sẻ với tờ Tagesspiegel (Đức) rằng mọi giao dịch hoặc vận chuyển hàng đều phải được ghi chép. Ông Schmitz nghi ngờ rằng những tên trộm kim loại chủ yếu bán hàng lậu ra bên ngoài nước Đức.

Khi giá đồng và các kim loại khác tăng lên, tội phạm ngày càng có tổ chức tốt hơn và manh động hơn. Cảnh sát điều tra vụ trộm Aurubis đã thu giữ súng và đạn dược cùng với hơn 200.000 euro (212.000 USD) tiền mặt và một số ô tô.

Ông Berlenbach cho biết khi nghe về những vụ trộm đồng ở Đức, ông thường nhớ về thời gian ở Nam Phi, nơi ông từng làm việc. "Có một giai đoạn, tất cả đường dây điện thoại trong khu phố của tôi ở Johannesburg đều bị cắt đứt. Chắc hẳn đó là một băng nhóm tội phạm được tổ chức tốt có liên hệ với những người mua chuyên nghiệp", ông Berlenbach hồi tưởng.

Ông Berlenbach không thể nghĩ ra phương pháp hiệu quả nào để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng như đường sắt và lưới điện khỏi kẻ trộm kim loại. Ông nói: “Thật không may, không có thứ thay thế cho cáp đồng, đó là vấn đề vật lý”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)
Căng thẳng leo thang giữa Đức và Ba Lan
Căng thẳng leo thang giữa Đức và Ba Lan

Căng thẳng giữa Đức và Ba Lan gia tăng khi Berlin cân nhắc việc kiểm tra biên giới trong bối cảnh tranh cãi với Warsaw liên quan đến vụ bê bối hối lộ cấp thị thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN