Người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới năng lượng Liên bang Đức (Bundesnetzagentur) Klaus Müller mới đây cảnh báo rằng hóa đơn khí đốt của người tiêu dùng nước này có thể tăng gấp hai hoặc thậm chí ba lần khi Đức đối mặt với viễn cảnh nguồn cung cấp khí đốt của Nga bị cắt giảm.
Quan chức năng lượng Đức trên nói với đài truyền hình công cộng ARD rằng việc ngừng cung cấp để bảo trì sắp tới trên đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đưa khí đốt của Nga trực tiếp đến Đức qua Biển Baltic có thể khiến nguồn cung khí đốt bị cắt hoàn toàn.
"Hầu hết các kịch bản đều tiêu cực và dẫn đến một tình huống khó khăn: quá ít khí đốt vào cuối mùa Thu hoặc mùa Đông sắp tới", ông Müller nói, lưu ý Đức chỉ có thể đảm bảo thêm 2 tháng rưỡi nữa mà không có khí đốt của Nga.
Nga đã giảm nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1 xuống chỉ còn 40% công suất. Sự không chắc chắn về nguồn cung cấp khí đốt từ Nga xuất hiện trong bối cảnh Đức ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột với Moskva.
Do đó, ông Müller kêu gọi người dân Đức thực hiện các bước tiết kiệm năng lượng ngay lập tức và chính quyền tăng cường tìm các nhà cung cấp mới trong bối cảnh nguồn cung từ Nga đang bị hạn chế.
Trước đó hôm 23/6, Đức đã bước vào giai đoạn thứ hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp, sẵn sàng cho phép các nhà cung cấp chuyển chi phí cao sang người tiêu dùng khi có sự chấp thuận chính thức của Bundesnetzagentur.
Theo ông Müller, nếu Đức bước vào giai đoạn thứ ba của kế hoạch, nó sẽ gây ra những hậu quả "khủng khiếp và nghiêm trọng" đối với ngành công nghiệp khí đốt. Trong giai đoạn này, Bundesnetzagentur sẽ thực hiện việc phân phối khí đốt, ưu tiên các hộ gia đình tư nhân hơn các công ty năng lượng.
Về phần mình, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với tạp chí Der Spiegel rằng một số ngành công nghiệp sẽ phải đóng cửa nếu nguồn cung cấp khí đốt quá thấp vào mùa Đông.
Ông Habeck nói: “Các công ty sẽ phải ngừng sản xuất, sa thải công nhân, chuỗi cung ứng sụp đổ, mọi người sẽ lâm vào cảnh nợ nần để trả các hóa đơn sưởi ấm và sẽ trở nên khó khăn trong sinh hoạt hơn”.
Đức phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Mặc dù Đức và các nước thành viên EU khác đã áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, nhưng Berlin đã né tránh việc thực hiện lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga.
Đầu tháng này, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cho biết họ sẽ tiếp tục giảm cung cấp khí đốt cho Đức thông qua đường ống Nord Stream 1. Gazprom cũng đã giảm việc cung cấp khí đốt cho Pháp và Italy trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Để đa dạng hóa chiến lược năng lượng khỏi các nguồn cung từ Nga, Đức gần đây đã ký kết hợp tác khí đốt với Qatar. Đức cũng đang tăng công suất hoạt động của các nhà máy than để tự cung tự cấp hơn, bất chấp những hạn chế về môi trường.