Quang cảnh cuộc biểu tình tại Yerevan, Armenia ngày 22/4. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Đức cho biết Chính phủ Đức sẽ tiếp tục theo dõi sát sao sự kiện này, đồng thời kêu gọi các bên có trách nhiệm cũng như các lực lượng an ninh và những người biểu tình kiềm chế. Theo Bộ trên, điều cần làm bây giờ là các bên tiến hành một cuộc đối thoại sâu rộng để sớm thành lập một chính phủ mới thông qua hiến pháp, đồng nghĩa đại diện cho lợi ích của người dân Armenia. Bộ Ngoại giao Đức khẳng định Berlin luôn ủng hộ Armenia trong nỗ lực xây dựng một xã hội dân chủ.
Tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Đức được đưa ra trong bối cảnh trước đó ngày 1/5, ứng cử viên Nikol Pashinyan, thủ lĩnh phe đối lập tại Armenia, đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu trong phiên họp của Quốc hội để trở thành thủ tướng khi chỉ nhận được 45 phiếu ủng hộ và 56 phiếu chống. Theo luật, để trở thành thủ tướng, ông Pashinyan phải nhận được ít nhất 53 phiếu ủng hộ. Với kết quả này, các nghị sĩ Armenia sẽ phải nhóm họp để bầu thủ tướng mới vào ngày 8/5 tới. Nếu cuộc bỏ phiếu lần 2 này thất bại, Quốc hội sẽ phải giải tán.
Thời gian qua, Armenia đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, đặc biệt sau khi Quốc hội Armenia hôm 17/4 bầu cựu Tổng thống Serzh Sargsyan làm thủ tướng. Tuy nhiên, ông Sargsyan đã phải từ chức hôm 23/4 do các cuộc biểu tình phản đối của phe đối lập. Phe đối lập yêu cầu bầu ông Pashinyan làm thủ tướng, trong khi đảng Cộng hòa Armenia cầm quyền cho rằng yêu cầu của phe đối lập đòi bầu ông Pashinyan làm thủ tướng là vi hiến.