Theo báo Izvestia (Nga) ngày 27/9, các nghị sĩ Đức cho biết nước này cần ít nhất 11 trạm lưu trữ LNG và nhiều năm nữa mới có thể độc lập với khí đốt tự nhiên của Nga, lưu ý thêm rằng những nỗ lực nhằm tăng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Trung Đông khó có thể cứu nước này khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng.
Vào mùa Xuân năm nay, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã cam kết rằng nước này sẽ mua khí đốt từ Qatar để giảm sự phụ thuộc vào Nga. Nhưng chuyến thăm Doha của ông đã kết thúc trong thất bại do Berlin không đồng ý ký hợp đồng dài hạn và giờ đây Qatar đang cung cấp LNG cho nước láng giềng Italy.
Chuyến công du Trung Đông gần đây của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng gây thất vọng không kém. Trong khoảng thời gian từ ngày 24 - 25/9, nhà lãnh đạo Đức chỉ đàm phán được hợp đồng mua LNG từ UAE. Theo các điều khoản của hợp đồng, công ty dầu khí quốc gia ADNOC của UAE sẽ cung cấp 137.000 mét khối LNG.
Tờ báo Arập al-Arab lưu ý rằng chuyến thăm của Thủ tướng Đức tới Saudi Arabia không mang lại kết quả rõ ràng do những bất đồng trong lĩnh vực năng lượng. Sau cuộc hội đàm tại Qatar, ông Scholz nói rằng Đức "đã đạt được tiến bộ" trong tìm kiếm nguồn cung để nhập khẩu LNG của mình.
Nghị sĩ Steffen Kotre, Phó Chủ tịch ủy ban về năng lượng và bảo vệ khí hậu trong Quốc hội Đức cho biết nguồn cung LNG cho nước này có thể được đảm bảo, nhưng sẽ phải mất nhiều năm do các quốc gia khác đều có hợp đồng dài hạn với Qatar. Việc đa dạng hóa nguồn cung khí đốt là một ý tưởng hay, tuy nhiên nước này đã "đi vào ngõ cụt" do chính sách trừng phạt chống Nga.
Để khắc phục sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, Đức đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu LNG gần như từ đầu. Vào đầu năm nay, Đức là quốc gia lớn duy nhất của EU không có cơ sở lưu trữ để tiếp nhận và tái cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Đến nay, Đức đã có sáu dự án như vậy: hai dự án ở Wilhelmshaven, 2 dự án ở Brunsbüttel và Stade, và 2 dự án ở Lumbin.
Kho lưu trữ LNG di động đầu tiên (FSRU) ở Wilhelmshaven dự kiến sẽ hoạt động vào ngày 20/12/2022. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, sáu trạm LNG của Đức sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn vào đầu năm 2024. Theo ông Kotre, Đức sẽ cần xây dựng ít nhất 11 cơ sở lưu trữ LNG để thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga. Ông Kotre cảnh báo: "Sẽ mất nhiều năm để xây dựng cơ sở hạ tầng tốt" và việc Đức từ chối cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga sẽ đi kèm với các chi phí kinh tế và xã hội nghiêm trọng.
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Nga Alexander Kamkin bình luận mặc dù LNG là một chủ đề phát triển nhanh chóng trong cuộc khủng hoảng năng lượng, nhưng đó không phải là cách giải quyết cuộc khủng hoảng. Theo ông Kamkin, trước tháng 2/2022, Mỹ đã xuất khẩu khoảng 2% LNG của mình sang Đức và từ đó đã tăng khối lượng lên khoảng 6%. Tuy nhiên, mức tăng này không thể sánh với 40% lượng khí đốt của Nga mà Đức từng nhận và nhập khẩu từ UAE sẽ không giúp Đức tránh được cuộc khủng hoảng năng lượng.