Phát biểu với báo giới tại thành phố Madrid (Tây Ban Nha) sau khi tham dự cuộc họp giải trừ quân bị của nhóm Sáng kiến Stockholm gồm 16 quốc gia, Ngoại trưởng Maas cho rằng các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran hiện nay tại Vienna (Áo), vốn được nối lại từ tháng 4 vừa qua, có thể đạt được mục tiêu trong vài tuần tới.
JCPOA quy định Iran làm giàu urani ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran năm 2018, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận. Cho đến nay, Iran đã làm giàu urani lên tới độ tinh khiết 60%. Sau khi nhậm chức tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận JCPOA và Washington cho rằng Tehran cũng muốn như vậy.
Kể từ khi nối lại đàm phán vào tháng 4 tại Vienna (Áo), Iran và các bên còn lại tham gia JCPOA đã tiến hành 6 vòng đàm phán. Theo một số nguồn tin, các bên hiện còn bất đồng về những vấn đề trọng tâm, như các bước Tehran cần thực hiện để trở lại tuân thủ thỏa thuận, cũng như các bước nới lỏng trừng phạt mà Washington có thể thực hiện đối với Tehran và các hành động cụ thể phải thực hiện nếu đạt được thỏa thuận.
Cuối tháng 6 vừa qua, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh Tehran sẽ không đàm phán "bất tận" về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015, đồng thời hối thúc Mỹ từ bỏ "di sản thất bại" của cựu Tổng thống Donald Trump.