Theo số liệu thống kê sơ bộ của Cơ quan Thống kê liên bang Đức công bố ngày 30/8, lạm phát của Đức tiếp tục tăng trong tháng 8 khiến giá cả tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là mức lạm phát cao nhất mà nước này từng ghi nhận kể từ hơn một phần tư thế kỷ qua. Lần cuối cùng lạm phát hàng năm cao hơn mức này được ghi nhận vào tháng 12/1993, với 4,3%. Giới phân tích cho rằng giá tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này tăng trong nhiều tháng qua là do giá năng lượng và thực phẩm tăng. Cùng với đó là việc bãi bỏ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), vốn được thực thi nhằm giảm thiểu tác động kinh tế từ đại dịch COVID-19. Các nhà kinh tế cho rằng giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, với một số dự báo tỷ lệ lạm phát có thể lên tới 5%. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đây là hiện tượng tạm thời.
Bà Christine Volk, nhà kinh tế trưởng của tổ chức tín dụng KfW, nhận định mức tăng hiện tại có thể chỉ là tạm thời. Theo bà, lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% như quy định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là khả năng có thể xảy ra. Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt các linh kiện quan trọng như chip máy tính có thể "ảnh hưởng đến ví tiền của người tiêu dùng, do các công ty có khả năng đưa ra mức phí cao hơn”. Lạm phát cao hơn, cũng có nghĩa là giá cả tăng, điều sẽ làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng. Mặc dù vậy, các ngân hàng trung ương cho rằng tình trạng giá tăng hiện tại chỉ là hậu quả tạm thời của sự gián đoạn kinh tế và chuỗi cung ứng do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu gây ra.
Giới phân tích lập luận rằng các yếu tố đẩy giá lên cao sẽ biến mất khi nền kinh tế toàn cầu bình thường trở lại, các doanh nghiệp vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 hoạt động trở lại với đầy đủ công suất và các vấn đề về chuỗi cung ứng được giải quyết. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm hoài nghi cho rằng lạm phát cao có thể kéo dài hơn những gì mà các ngân hàng trung ương dự báo hiện nay.