Trong một nghiên cứu mới đây, ông David Wilcox, cựu giám đốc nghiên cứu của Fed và ông David Reifschneider, cố vấn đặc biệt của cựu Chủ tịch Fed Janet Yellen, nhận định một khi đại dịch COVID-19 qua đi, Fed có thể tăng mục tiêu lạm phát quốc gia từ 2% lên 3%.
Hai nhà kinh tế trên dự báo trong 15 năm đầu tiên sau khi mục tiêu lạm phát được điều chỉnh, nền kinh tế sẽ tạo thêm từ khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm. Theo hai chuyên gia trên, lạm phát cao hơn cũng có thể giúp giảm bớt tình trạng bất bình đẳng về chủng tộc và các vấn đề khác, với việc giữ chân người lao động làm việc lâu hơn và cho phép họ tích lũy thêm kinh nghiệm.
Báo cáo của ông Wilcox và Reifschneider được đưa ra khoảng một tuần trước khi diễn ra hội nghị thường niên của Fed tại Jackson Hole, Wyoming. Dự kiến, tại hội nghị này, Fed có thể thảo luận rộng rãi về hiệu quả của khuôn khổ chính sách tiền tệ được thông qua một năm trước.
Số liệu cho thấy Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi -thước đo lạm phát được Fed theo dõi chặt chẽ- đứng ở mức 3,5% trong tháng Sáu đã làm dấy lên cuộc tranh luận tại Fed về việc liệu có cần tăng lãi suất sớm hơn dự kiến để giữ giá cả trong tầm kiểm soát hay không.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng Fed nên nâng mục tiêu lạm phát. Mức 2% được đặt ra vào thời điểm lãi suất toàn cầu sụt giảm xuống, khiến lãi suất qua đêm của Fed gần với giới hạn bằng 0.
Thực tế trên đã làm thu hẹp dư địa cắt giảm lãi suất để chống lại suy thoái, đồng thời khiến các công cụ như mua trái phiếu trở thành một phần bình thường trong bộ công cụ của các ngân hàng trung ương. Ví dụ, trong thời kỳ suy thoái do đại dịch gây ra, Fed không chỉ cắt giảm lãi suất chính sách của mình xuống gần 0, mà còn bắt đầu mua lượng trái phiếu trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng để giảm chi phí đi vay hơn nữa.
Các chuyên gia nhận định nâng mục tiêu lạm phát sẽ giúp nâng lãi suất chính sách của Fed lên cao hơn và tạo ra sự linh hoạt hơn để chống lại bất kỳ tình trạng suy giảm kinh tế nào trong tương lai.