Theo tờ Jerrusalem ngày 3/11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Benny Gantz đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin về đề xuất Israel bán hệ thống phòng không tên lửa đạn đạo hiện đại Arrow-3 (Mũi tên-3) cho Berlin, mở đường cho việc lần đầu tiên hệ thống này được bán cho một khách hàng quốc tế.
Thỏa thuận giữa Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Israel và 15 quốc gia châu Âu đang chờ Mỹ phê duyệt lần cuối. Nếu được thông qua như dự kiến, đây sẽ là thỏa thuận xuất khẩu vũ khí lớn nhất từ trước đến nay của Israel
Thỏa thuận ban đầu được thực hiện giữa phía Israel và Đức với ước tính khoảng 2 tỷ euro, nhưng dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục 3 tỷ euro sau khi 14 nước thành viên NATO, cộng với Phần Lan, nhất trí khởi động việc thiết lập lá chắn phòng thủ chung châu Âu.
Thỏa thuận cần phải có sự đồng ý của Washington vì họ đã chi trả phần lớn chi phí phát triển và sản xuất tên lửa Arrow.
Mỹ đã từ chối yêu cầu trước đó của Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Israel về việc bán hệ thống Arrow cho các quốc gia như Hàn Quốc. Tuy nhiên, cả Israel và Đức đều lạc quan rằng Mỹ sẽ chấp thuận thỏa thuận giữa hai đồng minh thân cận nhất của họ sau những căng thẳng gia tăng trên lục địa trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine.
Công ty Mỹ Boeing sẽ chịu trách nhiệm sản xuất một số bộ phận của tên lửa đánh chặn, giống như đối với các tên lửa được chế tạo cho Không quân Israel. Đức cũng sẽ mua tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ như một phần của thỏa thuận.
Thỏa thuận vũ khí lớn nhất từ trước đến nay của Israel là với Ấn Độ trị giá 1,6 tỷ USD. Đức đề ra kế hoạch hệ thống Arrow đầu tiên sẽ đi vào hoạt động tại quốc gia này vào năm 2025.
Arrow-3, một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Israel, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở độ cao hơn 100 km. và với phạm vi được báo cáo lên đến 2.400 km.
Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu
Việc mua hệ thống trên là một phần của chương trình phòng không chung có tên là "Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu" (European Sky Shield Initiative) với sự tham gia của 14 quốc gia thành viên NATO -Bỉ, Bulgaria, Séc, Estonia, Đức, Hungary, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy, Slovakia, Slovenia, Romania và Anh. Phần Lan, quốc gia đang có đơn xin gia nhập NATO, cũng sẽ tham gia.
Sáng kiến đã được ký vào tháng 10 tại Brussels, đang được Berlin thúc đẩy nhằm mục đích thiết lập một hệ thống phòng không châu Âu thông qua việc mua sắm chung các thiết bị phòng không và tên lửa của các quốc gia châu Âu. Hệ thống sẽ ngăn chặn các mối đe dọa ở tầm gần như máy bay không người lái, cũng như các mối đe dọa tầm trung đến tầm xa như tên lửa đạn đạo và hành trình.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra yêu cầu ban đầu về hệ thống Arrow-3 khi ông gặp Thủ tướng Naftali Bennett hồi tháng 3. Và trong khi Israel chấp thuận việc bán hàng, việc xuất khẩu bị trì hoãn là do Mỹ chưa chấp thuận.
Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy việc thiết lập lại thế trận của NATO, với việc các đồng minh tăng đáng kể ngân sách quốc phòng cũng như gửi viện trợ quân sự tới Ukraine hoặc các nước láng giềng. Cuộc xung đột cũng làm dấy lên hy vọng rằng Washington sẽ "bật đèn xanh" cho việc bán Arrow-3 cho Berlin.
Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoană nói rằng việc đưa ra một sáng kiến phòng thủ tên lửa của châu Âu là "rất quan trọng" sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.
"Điều quan trọng là mọi thứ hiện đang diễn ra nhanh chóng liên quan đến việc mua sắm Patriot, liên quan đến việc mua sắm Iris-T, và tất nhiên, đối với việc mua sắm một hệ thống phòng thủ vượt xa hơn thế", ông Geoană nói, đề cập đến Arrow-3.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine , Đức đã tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP và cho biết họ sẽ thành lập một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro để nhanh chóng nâng cấp các lực lượng vũ trang của mình, trong đó Berlin muốn Israel sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này.