Ngày 18/11, người phát ngôn chính phủ Đức nói với hãng tin AFP rằng Thủ tướng nước này, ông Olaf Scholz không có kế hoạch cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine mặc dù Mỹ đã nới lỏng hạn chế đối với các cuộc tấn công vào sâu vào bên trong lãnh thổ Liên bang Nga.
Theo người phát ngôn chính phủ Đức, ông Wolfgang Buchner, Thủ tướng Scholz đã “làm rõ lập trường” của mình về vấn đề này và sẽ “không thay đổi quan điểm nữa.
Hồi tháng 9, Thủ tướng Đức đã cảnh báo việc cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine sẽ tương đương với việc tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Liên bang Nga.
Đài RT của Liên bang Nga cho biết khi đó ông Scholz nói: “Chỉ có thể cung cấp những vũ khí này nếu chúng ta tự xác định và định nghĩa các mục tiêu. Điều đó một lần nữa là không thể nếu không muốn trở thành một phần của cuộc xung đột này (xung đột ở Ukraine)”.
Xem video Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại sân bay Berlin ngay trước khi lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil, trong đó tiết lộ rằng quan điểm của Tổng thống Liên bang Nga về cuộc chiến ở Ukraine hầu như không thay đổi. Nguồn: Reuters
Vào ngày 17/11, nhiều hãng truyền thông đưa tin rằng Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Liên bang Nga.
Theo một số báo cáo, quyết định này bao gồm việc sử dụng Tên lửa Chiến thuật Lục quân tầm xa (ATACMS) nhằm vào các lực lượng của Moskva và bên thứ ba đang tập trung tại tỉnh Kursk của Liên bang Nga.
Ukraine trước đây đã nhận được tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất và tên lửa Storm Shadow/SCALP từ Anh và Pháp, với tầm bắn lần lượt là 300 km và 250 km.
Dẫu vậy, ông Scholz vẫn kiên định không cung cấp tên lửa hành trình Taurus, loại có tầm bắn 500 km cho Ukraine vì lo ngại việc này sẽ làm leo thang căng thẳng với Liên bang Nga.
Trong một diễn biến liên quan, theo đài RT ngày 18/11, trả lời phỏng vấn với đài truyền hình ARD vào hôm 17/11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng khả năng chuyển giao cho Ukraine tên lửa hành trình phóng từ trên không Taurus sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình trên chiến trường.
Khi được hỏi liệu Đức có nên xem xét lại quyết định không cung cấp cho Ukraine các tên lửa có tầm bắn 500 km hay không, ông Pistorius cho biết có những lập luận về Taurus liên quan đến an ninh quốc gia và các chiến lược của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cho rằng không nên thảo luận về điều đó một cách công khai.
“Đồng thời, Taurus sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Nhiệm vụ của chúng ta thì khác. Bây giờ chúng ta phải đảm bảo rằng Ukraine tiếp tục nhận được nguồn cung bền vững”, Bộ trưởng Pistorius nhấn mạnh.
Xem video Hệ thống Tên lửa chiến thuật Lục quân tầm xa (ATACMS) được kích hoạt ở một địa điểm không xác định tại Hàn Quốc vào ngày 5/7/2017. Nguồn: Reuters
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters ngày 18/11, chính sách của Berlin có thể sớm thay đổi khi Đức tiến gần đến cuộc bầu cử sớm vào ngày 23/2/2025, với liên minh đối lập trung hữu giữa đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và đảng Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) đang dẫn đầu các cuộc thăm dò và đe dọa lật đổ Thủ tướng Scholz.
Ứng cử viên thủ tướng của CDU/CSU, Friedrich Merz, tuyên bố sẽ cho phép chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine, nhưng chỉ khi cần thiết, sau khi đưa ra tối hậu thư với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và dỡ bỏ các hạn chế đối với các loại vũ khí đã được cung cấp trước đó.
Tương tự, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, người đang tranh cử vị trí Thủ tướng cho Đảng Xanh, cho biết ông sẽ phê duyệt việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine nếu được bầu vào tháng 2 năm tới.
Taurus (hay Taurus KEPD-350) là tên lửa hành trình phóng từ trên không do công ty liên doanh Đức-Thụy Điển Taurus Systems GmbH sản xuất và đang được sử dụng trong quân đội của Đức, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Tên lửa Taurus có trọng lượng khoảng 1.400 kg, mang đầu đạn nặng 480 kg, tầm bắn 500 km.