Động thái này của Đức một lần nữa làm dấy lên quan ngại khó có thể đạt được một thỏa thuận giữa các chủ nợ của Hy Lạp trong cuộc họp vào tuần tới, vốn được kỳ vọng có thể giúp Athens trả nợ đúng kỳ hạn và thoát khỏi nguy cơ buộc phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do vỡ nợ.
Phát biểu trên kênh truyền hình ARD, Bộ trưởng Wolfgang Schaeuble tuyên bố theo điều lệ trong Hiệp ước Lisbon, Đức không thể chấp thuận giảm nợ cho Hy Lạp. Ông cảnh báo Athens đang đứng trước nguy cơ phải rời khỏi Eurozone.
Bộ trưởng Wolfgang Schaeuble đưa ra tuyên bố trên sau khi IMF công bố báo cáo cho rằng kinh tế Hy Lạp sẽ không thể tăng trưởng như mong đợi và quốc gia châu Âu này không có khả năng chi trả các khoản nợ trong tương lai.
IMF hối thúc các chủ nợ trong Eurozone giảm nợ thêm cho Athens và yêu cầu Hy Lạp tăng tốc các biện pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trước khi IMF giải ngân khoản cứu trợ trong gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro đã được nhất trí từ năm 2015.
Đây là vấn đề cấp bách đối với Hy Lạp bởi theo kế hoạch, tháng 7/2017, nước này sẽ phải thanh toán gần 7 tỷ euro tiền nợ cho các chủ nợ và chắc chắn, nước này sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của mình nếu không được "bơm" thêm tín dụng.
Do đó, Hy Lạp hiện nay hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận với các nước đối tác Eurozone trong cuộc họp vào tuần tới. Thứ trưởng Tài chính Hy Lạp George Chouliarakis cho rằng nước này cần nhanh chóng hoàn tất việc thương thảo với các chủ nợ để tránh nguy cơ phải thương lượng với một bộ máy mới gồm các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ lên nắm quyền sau một loạt các cuộc bầu cử sắp tới.
Theo kế hoạch, nhóm các nước chủ nợ sẽ nhóm họp vào tuần tới để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Hy Lạp. Dự kiến, cuộc họp sẽ có sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos, Ủy viên phụ trách vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu Pierre Moscovici, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup), ông Jeroen Dijsselbloem, đại diện Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Benoit Coeure.
Hy Lạp đang phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay. Để đổi lại những khoản viện trợ quan trọng từ các chủ nợ quốc tế, kể cả IMF và Uỷ ban châu Âu (EC), Athens cam kết sẽ tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Kể từ năm 2010 đến nay, nước này đã tiếp nhận 3 gói cứu trợ của quốc tế. Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức trên 300 tỷ euro, tương đương 160% GDP, và đây vẫn là tỷ lệ cao nhất trong Eurozone.