'Đừng hoảng sợ' - Thông điệp của một bệnh nhân đã bình phục

"Đừng hoảng sợ". Đây là thông điệp ngắn gọn nhưng súc tích mà Elizabeth Schneider, một bệnh nhân người Mỹ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vừa bình phục, muốn gửi gắm tới những người đang lo lắng về căn bệnh này.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Manhattan, New York, Mỹ, ngày 5/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Schneider sống ở Seattle, thành phố lớn nhất của tiểu bang Washington, nơi ghi nhận nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19 tại nước Mỹ. Người phụ nữ 37 tuổi này cho biết cô muốn chia sẻ câu chuyện của mình nhằm "mang đến cho mọi người hy vọng" thông qua những kinh nghiệm thực tế mà cô đã trải qua. 

Schneider lần đầu tiên bắt đầu cảm thấy có các triệu chứng giống như cúm vào ngày 25/2, 3 ngày sau khi cô tham dự một bữa tiệc, nơi sau đó được xác định có ít nhất 5 người nhiễm bệnh.

Vào buổi sáng hôm đó khi thức dậy, cô cảm thấy mệt mỏi song cho rằng đấy là điều bình thường và vẫn đi làm. Tuy nhiên, đến giữa trưa, cô cảm thấy đau đầu, lên cơn sốt và cơ thể nhức mỏi. Cô quyết định rời khỏi văn phòng của công ty công nghệ sinh học nơi cô làm quản lý tiếp thị và trở về nhà.

Tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngắn, cơ thể của Schneider vẫn nóng sốt và nhiệt độ cơ thể tăng lên tới 39,4 độ C vào đêm hôm đó. Cô dùng thuốc cảm cúm không kê đơn để điều trị các triệu chứng và gọi một người bạn phòng khi cần được đưa đi cấp cứu.

Tuy nhiên, cơn sốt đã bắt đầu giảm trong những ngày tiếp theo. Vì không có các triệu chứng điển hình khi nhiễm SARS-CoV-2 như ho hay khó thở theo các thông tin mà truyền thông đưa, Schneider cho rằng mình không mắc COVID-19.

Tuy nhiên, vài ngày sau, qua Facebook, cô phát hiện một số người tham dự bữa tiệc có các triệu chứng tương tự và cô bắt đầu nghi ngờ. Một số những người này đã đến khám bác sĩ và có xét nghiệm âm tính với cúm, song không được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vì họ cũng không ho nhiều hay khó thở.

Biết rằng cũng có khả năng bị từ chối xét nghiệm virus SARS-CoV-2, Schneider quyết định đăng ký tham gia một chương trình nghiên cứu có tên là Nghiên cứu Cúm Seattle, hy vọng có thể tìm ra câu trả lời. Nhóm nghiên cứu đã gửi cho cô một bộ dụng cụ, sau đó cô đã tự lấy dịch mũi và gửi lại.

Ngày 7/3, cô nhận được một cuộc gọi từ một trong những điều phối viên nghiên cứu nói rằng cô đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến lúc này, các triệu chứng của cô đã giảm bớt và cô được giới chức y tế địa phương khuyến cáo tiếp tục cách ly tại nhà.

Qua câu chuyện của mình, Schneider hy vọng những trải nghiệm khi mắc COVID-19 ở thể nhẹ, có thể thuộc đa số các trường hợp mắc bệnh, sẽ giúp trấn an tinh thần mọi người.

Cô chia sẻ: "Thông điệp của tôi là đừng hoảng loạn. Nếu nghĩ rằng bạn mắc COVID-19, bạn có thể xét nghiệm. Nếu các triệu chứng của bạn không nguy hiểm tới tính mạng, cần chủ động cách ly tại nhà, uống nhiều nước, nghỉ ngơi thật nhiều và thưởng thức các chương trình bạn muốn xem".

Tuy nhiên, cô cũng khuyến cáo không nên coi thường căn bệnh này, bởi đa phần những trường hợp nặng xảy ra ở người cao tuổi hoặc có vấn đề về sức khỏe.

Phương Oanh (TTXVN)
Xác định 'bệnh nhân số 0' tại Italy
Xác định 'bệnh nhân số 0' tại Italy

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, tại thời điểm dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, ngày 11/3, nước này đang khẩn trương tìm cách xác định "bệnh nhân số 0".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN