Theo giới chức EC, quỹ WSF của Đức phù hợp với các quy định đã được nới lỏng do dịch COVID-19 của châu Âu và không có tình trạng mất cân xứng cạnh tranh do việc lập quỹ này. Mục đích của quỹ WSF là cấp vốn cho các công ty gặp khó khăn không phải do lỗi của họ trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Gói giải cứu bao gồm khoản bảo lãnh trị giá 400 tỷ euro giúp các công ty tự tái cấp vốn, một khoản ủy quyền tín dụng trị giá 100 tỷ euro nhằm tái cấp vốn trực tiếp cho doanh nghiệp, bên cạnh một khoản ủy quyền tín dụng bổ sung 100 tỷ euro cho việc tái cấp vốn cho các chương trình đặc biệt của Ngân hàng Tái thiết (KfW).
EC mới đây đã nới lỏng các quy định về cứu trợ của nhà nước cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, Brussels vẫn sát sao với các gói cứu trợ, không để việc hỗ trợ của nhà nước làm mất cân xứng tình trạng cạnh tranh trên thị trường nội khối. Ủy viên phụ trách Cạnh tranh của EC Margrethe Vestager nêu rõ EC sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên để tìm giải pháp khả thi nhằm giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 dễ dàng hơn trong việc tiếp cận tài chính theo quy định của EU.
Chính phủ Đức mong muốn gói giải cứu sớm được EC chấp thuận nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trụ cột của nước này đang đứng trước nguy cơ phá sản do cuộc khủng hoảng COVID-19. Trong số này, Chính phủ Đức sẽ sử dụng quỹ WSF để cứu hãng hàng không Lufthansa đang phải đối mặt với những nguy cơ thực sự khi các biện pháp hạn chế đi lại đã khiến hoạt động kinh doanh của hãng gần như tê liệt, ngoại trừ việc vận chuyển hàng hóa.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya cho biết Chính phủ nước này sẵn sàng chấp nhận một số điều kiện đi kèm để nhận được các khoản tiền viện trợ từ một quỹ phục hồi của Liên minh châu Âu (EU) miễn là nó thuộc cơ chế châu Âu.
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Europa Press, Ngoại trưởng Laya cho rằng vấn đề được chú trọng tại hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới về việc thành lập một quỹ phục hồi của EU là tương lai của tất cả các nước thành viên EU. Theo bà Laya, các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch này cần nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ quỹ này.
Theo đề xuất của EC, trong ngân sách của khối, EU sẽ thiết lập quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (khoảng 845 tỷ USD) để hỗ trợ các nền kinh tế thành viên gặp khó khăn do đại dịch, trong đó phần lớn sẽ được rót cho các nước bằng hình thức trợ cấp, số còn lại là cho vay. Tiêu chí và mức phân bổ cụ thể hiện còn gây tranh cãi, dù đề xuất phần lớn nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo EU, song một số nước Bắc và Tây Âu, do Hà Lan đứng đầu, phản đối việc chi tiền cho các nước Nam Âu như Italy và Tây Ban Nha.
Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến được tổ chức trong hai ngày 17 và 18/7 tới tại Brussels (Bỉ) sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo EU kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Hiện nhiều nước châu Âu đang rất kỳ vọng Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong nhiệm kỳ nước Đức giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU 6 tháng cuối năm 2020, có thể đạt được đột phá trong đàm phán giữa các nước thành viên nhằm xây dựng ngân sách của khối trong những năm tới. Chủ tịch EC Von der Leyen cảnh báo những tháng tới sẽ là thời điểm quan trọng để EU có thể vực dậy nền kinh tế, vượt qua được những khó khăn do dịch bệnh gây ra.