Theo ông Reynders, EC đang tập trung cho việc cấp chứng nhận này. Ông nhấn mạnh chứng nhận này không phải là hộ chiếu, nhưng không chỉ là chứng nhận tiêm chủng mà còn chứng nhận bình phục đối với người nhiễm bệnh và các xét nghiệm liên quan.
Ông Reynders nêu rõ thực trạng các vấn đề liên quan đến tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại châu Âu hiện nay, theo đó khu vực này không quy định người dân bắt buộc phải tiêm chủng vaccine, do đó người dân hoàn toàn có thể từ chối tiêm. Ngoài ra, châu Âu ở thời điểm hiện tại cũng không có đủ vaccine để tiêm chủng cho tất cả những người có nhu cầu tiêm và các lãnh đạo EU không muốn có bất cứ sự phân biệt đối xử nào.
Tính đến nay mới chỉ có 5% dân số EU được tiêm chủng. Do đó, dư luận ngày cảng hoài nghi khả năng đạt được mục tiêu mà khối này đề ra tiêm chủng cho 70% số người trưởng thành vào cuối mùa Hè năm nay.
Tuy nhiên, với hy vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, tháng trước, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã nhất trí soạn thảo các quy định chung về "chứng nhận xanh" COVID-19 trước mùa Hè năm nay. Cho đến nay, các nước thành viên vẫn chưa nhất trí cách thức chính xác sử dụng chứng nhận này và những quyền đi lại kèm theo.
Các quốc gia EU ở miền Nam phụ thuộc vào ngành du lịch, hy vọng việc cấp chứng nhận này sẽ giúp ngành du lịch phục hồi trong mùa Hè này. Trong khi đó, các nước như Đức, Pháp, và Bỉ có ý kiến ngược chiều, nhấn mạnh rằng tiêm chủng tại châu Âu là không bắt buộc và không có đù vaccine tiêm chủng cho tất cả mọi người.
Theo trang thống kê worldometers.info, châu Âu hiện là khu vực có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, 35,75 triệu ca, trong đó có 848.160 ca tử vong.