Trong một tuyên bố, người đứng đầu EMA, bà Emer Cooke cho biết với quyết định trên, giới chức các nước EU sẽ có thêm một sự lựa chọn nữa trong phòng chống COVID-19 để bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân. Bà cho biết đây là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên chỉ cần tiêm một mũi duy nhất.
Quyết định trên của EMA đã tạo ra cú huých cho chương trình tiêm chủng đang diễn ra chậm chạp trong EU, thậm chí có tin cho rằng lô vaccine Johnson&Johnson đầu tiên cho đến tháng 4 mới tới các nước châu Âu.
Cho đến nay, EU đã cấp phép sử dụng 3 vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca-Oxford. Trong khi đó, 3 vaccine ngừa COVID-19 khác đang được EMA xem xét gồm vaccine Novavax, CureVac và Sputnik V của Nga.
Liên quan tới vaccine AstraZeneca/Oxford, EMA cho biết vaccine này dường như không làm tăng nguy cơ gây huyết khối (cục máu đông) ở những người đã tiêm vaccine này.
Tuyên bố của EMA nêu rõ: "Thông tin có sẵn đến nay cho thấy số trường hợp nghẽn mạch ở những người tiêm vaccine (AstraZeneca) không cao hơn so với số trường hợp nghẽn mạch trong dân số nói chung".
EMA đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Đan Mạch, Na Uy và Iceland tạm ngừng tiêm vaccine này.
* Các hãng dược Pfizer Inc (Mỹ) và BioNTech SE (Đức) ngày 10/3 cho biết dữ liệu thực tế từ Israel cho thấy vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng này bào chế, có hiệu quả 94% trong ngăn chặn các ca lây nhiễm không có biểu hiện triệu chứng.
Theo hai hãng trên, phân tích dữ liệu mới nhất của Israel cho thấy vaccine này có hiệu quả tới 97% trong ngăn chặn lây nhiễm có biểu hiện triệu chứng, các ca bệnh thể nặng và tử vong. Về cơ bản, kết quả này phù hợp kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối hồi tháng 12/2020 được Pfizer/BioNTech công bố là vaccine này có hiệu quả 95% trong chống lại lây nhiễm có triệu chứng.
Phân tích cũng cho thấy những người chưa tiêm vaccine Pfizer/BioNTech có nguy cơ mắc COVID-19 có biểu hiện triệu chứng cao gấp 44 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 29 lần so với những người đã tiêm vaccine. Các số liệu này được thu thập từ ngày 17/1 đến 6/3, và chưa được thẩm định.
Israel đang dẫn đầu thế giới về tốc độ triển khai chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19. Theo Bộ Y tế Israel, tính tới ngày 10/3, khoảng 55% trong tổng số 9 triệu người dân nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Pfizer/BioNTech và 43% đã được tiêm cả hai mũi.