Tuyên bố này được ông Mekonnen đưa ra tại Hội nghị khu vực lần thứ 2 về việc sử dụng sông Nile một cách công bằng và hợp lý diễn ra ở thủ đô Addis Ababa. Theo ông Mekonnen, lần tích nước thứ 4 này đập Đại phục hưng đã được lên kế hoạch và 3 lần tích nước trước không gây hại cho các quốc gia ven sông ở hạ lưu.
Trước đó, Sudan và Ai Cập đã nhiều lần yêu cầu Ethiopia ngừng tích nước vào hồ chứa của Gerd trong thời gian chờ đợi một thỏa thuận ba bên về phương thức vận hành con đập lớn nhất châu Phi này.
Trong khi Ai Cập, quốc gia phụ thuộc vào sông Nile để đáp ứng khoảng 97% nhu cầu nước, tiếp tục viện dẫn quyền lịch sử đối với dòng sông này và khẳng định việc Gerd gây ra mối đe dọa "hiện hữu", thì quan điểm của Sudan đã thay đổi. Đầu năm nay, Chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan cho biết "nhất trí hoàn toàn" với Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed về vấn đề Gerd.
Vào cuối giai đoạn tích nước lần thứ ba, hoàn tất vào tháng 8 năm ngoái, hồ chứa nước của Gerd đã tích được 22 tỷ m3 nước so với dung tích tối đa là 74 tỷ m3. Hai tuabin với tổng công suất 750 MW đã hoạt động. Nếu cả 13 tuabin theo thiết kế được đưa vào vận hành, đập nói trên sẽ có thể sản xuất hơn 5.000 MW điện, giúp Ethiopia tăng gấp đôi sản lượng điện hiện tại của nước này.