Giới chức ngoại giao EU cho biết khối này quyết định bổ sung các lệnh trừng phạt kinh tế đối với 7 người có quan hệ mật thiết với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Trong một thông cáo, Hội đồng châu Âu (EC) cho biết đây là 7 quan chức an ninh và tình báo Venezuela. Theo lệnh trừng phạt trên, EU sẽ cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với các quan chức quốc gia Nam Mỹ này.
Quyết định trên nâng tổng số cá nhân Venezuela bị EU liệt vào danh sách trừng phạt lên 25 người.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini tuyên bố "ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Venezuela đối với khu vực là không thể chấp nhận được, có nguy cơ gây mất ổn định khu vực".
Bà Federica Mogherini cho biết thêm EU sẵn sàng mở rộng các lệnh trừng phạt để khuyến khích một tiến trình chuyển giao chính trị và bầu cử tổng thống, đồng thời trừng phạt cũng có thể được nới lỏng nếu đạt được tiến triển.
Trước đó, Mỹ cũng đã quyết định siết chặt trừng phạt Venezuela. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với các quan chức cao cấp trong chính quyền quốc gia Nam Mỹ này, theo đó tất cả các quan chức từ cấp thứ trưởng, các sỹ quan quân đội, cảnh sát và lực lượng phòng vệ quốc gia có cấp bậc từ đại tá, tất cả các thành viên của Quốc hội lập hiến Venezuela và người thân trong gia đình sẽ bị không được nhập cảnh vào Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào.
Kể từ khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự phong là “tổng thống lâm thời” được Mỹ, nhiều nước trong EU và Mỹ Latinh ủng hộ, Venezuela liên tục phải hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế, những biện pháp được coi là nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Maduro phải rời bỏ quyền lực. Chiến dịch bao vây kinh tế của Mỹ và các đồng minh đã gây thiệt hại cho Venezuela hàng tỷ USD, gây khó khăn cho chính phủ quốc gia Nam Mỹ này trong việc nhập khẩu lương thực và thuộc men để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Mỹ và các đồng minh có những bước đi đáng quan ngại nói trên bất chấp những tiến triển đạt được tại Venezuela nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng của nước này, và trong khi cộng đồng quốc tế cũng ngày càng bất bình với lệnh cấm vận Venezuela.
Ngày 26/9, Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết lên án các biện pháp cấm vận đơn phương của Mỹ chống Venezuela. Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza bày tỏ hoan nghênh, đồng thời nhấn mạnh đây là quyết định đầu tiên của một cơ quan LHQ đề cập rõ ràng đến những hậu quả tiêu cực của lệnh cấm vận Mỹ chống lại nước ông.
Theo Ngoại trưởng Arreaza, điều này cho thấy sự quan ngại của cơ quan nhân quyền LHQ trước những tác động tiêu cực liên quan đến vấn đề hưởng quyền con người, và khẳng định mọi giải pháp cho những bất đồng phải là hòa bình, dân chủ, hợp hiến và không có sự can thiệp của nước ngoài.
Kể từ đầu năm 2019, Mỹ liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Venezuela nhằm gây sức ép buộc Tổng thống dân cử Maduro phải rời bỏ quyền lực. Chiến dịch bao vây kinh tế của Mỹ đã gây thiệt hại cho Venezuela hàng tỷ USD, gây khó khăn cho chính phủ quốc gia Nam Mỹ này trong việc nhập khẩu lương thực và thuộc men để đáp ứng nhu cầu của người dân.