Trước đó, thương vụ sáp nhập giữa hai "đại gia" hóa chất của Mỹ có giá 130 tỷ USD này đã bị cơ quan giám sát chống độc quyền của châu Âu điều tra do Dow và DuPont có quy mô giống nhau. Tuy nhiên, sau quá trình điều tra, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Dow Chemical và DuPont đã giải tỏa hoàn toàn những lo ngại với cam kết sẵn sàng loại bỏ thêm một số mảng kinh doanh. Giám đốc Cơ quan Chống độc quyền của EU, ông Margrethe Vestager khẳng định việc EU thông qua kế hoạch sáp nhập này đảm bảo sẽ không làm giảm sự cạnh tranh về giá đối với các loại thuốc trừ sâu trên thị trường cũng như phát minh mới nhằm tạo ra những sản phẩm hiệu quả và an toàn hơn trong tương lai.
Giám đốc Cơ quan Chống độc quyền của EU Margrethe Vestager. Ảnh:AFP/TTXVN |
Theo kế hoạch, sau khi hợp nhất, tập đoàn mới mang tên DowDuPont sẽ chia thành 3 công ty tập trung vào các mảng nông nghiệp, khoa học nguyên liệu và cung ứng các sản phẩm chuyên biệt. Trụ sở mới của DowDuPont sẽ có hai tổng hành dinh ở Michigan và Delaware , nơi đặt trụ sở chính của hai công ty hiện nay.
Dow Chemical và DuPont, hai công ty hóa chất lâu đời nhất của Mỹ, công bố kế hoạch sáp nhập nhằm tạo ra tập đoàn hóa chất và vật liệu lớn nhất thế giới từ năm 2015. DowChemical là công ty dẫn đầu ngành công nghiệp hóa chất Mỹ, trong khi DuPont có lịch sử hơn 200 năm tuổi, bắt đầu với ngành sản xuất thuốc súng và hiện hãng chuyên sản xuất các sản phẩm hóa chất cho các ngành công nghiệp, như hóa dầu, dược phẩm, thực phẩm và xây dựng.
EU dự kiến trong vài tháng tới cũng sẽ đưa ra quyết định về kế hoạch sáp nhập của Tập đoàn hóa chất Đức Bayer với nhà cung cấp giống cây trồng Monsanto trong thương vụ có giá kỷ lục 66 tỷ USD nhằm tạo một tập đoàn cung cấp thuốc trừ sâu và giống cây trồng lớn nhất thế giới.
Monsanto là tập đoàn chuyên cung cấp các loại hạt giống cây trồng biến đổi gien. Sản phẩm của họ đã được sử dụng rộng rãi tại Mỹ. Tuy nhiên, những kế hoạch tiếp cận thị trường châu Âu của Monsanto cho tới nay vẫn vấp phải phản ứng của các nhà hoạt động môi trường.